Nguy cơ dịch cúm H7N9 xảy ra ở Việt Nam rất lớn

20:48, 06/04/2013
|

(VnMedia) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc và có thể xảy ra tại Việt Nam, chiều nay (6/4), Bộ Y tế tiếp tục có chuyến làm việc, kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đồng thời, để ngăn chặn dịch từ cửa khẩu, tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đặt máy đo thân nhiệt cho tất cả hành khách.

Nguy cơ dịch cúm H7N9 xảy ra ở Việt Nam rất lớn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguy cơ dịch cúm H7N9 xảy ra ở Việt Nam là rất lớn vì Trung Quốc là nước cận kề với nước ta, đường giao thông đi lại giữa 2 nước rất thuận lợi về cả đường bộ lẫn đường hàng không. Tính cho đến thời điểm này chưa phát hiện được nguồn lây bệnh của cúm H7N9 nên cần tăng cường hệ thống giám sát, xây dựng kế hoạch phòng tránh cúm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Về phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như: Viện Vệ sinh dịch tễ, các bệnh viện vệ tinh nhằm đối phó kịp thời khi dịch bùng phát.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm này có 14 trường hợp mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá chủng cúm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian gần đây có độc lực cao, gây tử vong cao tương đương với vi rút cúm H5N1.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị cúm H7N9

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Để chủ động phòng chống cúm H7N9, bệnh viện đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; phối hợp với hệ thống giám sát dịch tễ xác định ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; duy trì hoạt động của bệnh viện trong trường hợp đại dịch bùng phát lớn. Bệnh viện đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm H7N9 để trình Bộ Y tế ban hành. Dự kiến ngày 9/4 sẽ được Bộ Y tế thông qua.

Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch; đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng cho điều động khẩn cấp; phân công bảo đảm chế độ thường trực chuyên môn, trực phòng chống dịch 24/24 giờ; huy động sự tham gia của tất cả đội ngũ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế khi được yêu cầu. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm H7N9, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Đặc biệt, khi có dịch xảy ra, bệnh viện sẽ mở rộng khu vực khám bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly bệnh nhân và phòng áp lực âm. Hiện nay, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn phương tiện chẩn đoán PCR cúm H7N9, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Ảnh minh họa

Việt Nam tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để ngăn chặn chủng cúm mới có thể xâm nhập vào Việt Nam. (Ảnh: Dân trí)


Đặt máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Nhằm đối phó, ngăn chặn với dịch cúm H7N9 tràn vào nước ta, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng đã đặt 2 máy theo dõi thân nhiệt bằng tia hồng ngoại đối với tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc tế khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là một quy trình khép kín để đảm bảo phát hiện ra người nghi nhiễm cúm sẽ hoàn toàn bị cách ly.

Trung bình mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón hàng chục nghìn hành khách từ nhiều nước trên thế giới, riêng khách từ Trung Quốc có từ 5 - 6 chuyến. Trong trường hợp bệnh dịch phát triển nhanh và mạnh, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đặt thêm một máy đo thân nhiệt, tăng cường thêm nhân lực kiểm soát. Cũng nhằm đối phó với nguy cơ dịch cúm H7N9, hôm qua (5/4), Ban chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội  đã có cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng vật nuôi, tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên, giám sát trọng điểm tại các khu vực có gia cầm ốm chết.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội),Trung tâm kiểm dịch quốc tế của sân bay cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 2 máy hồng ngoại đo thân nhiệt của hành khách và những thiết bị khử khuẩn đã sẵn sàng. Ngay tại sân bay, lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp có biểu hiện mắc hội chứng cúm để cách ly, chuyển tuyến điều trị theo quy định.

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định cho đến thời điểm này chưa tìm được mối liên quan và bằng chứng của việc vi rút này lây từ người sang người; đồng thời cũng khuyến cáo chưa có bất cứ một hạn chế nào về đi lại, du lịch và thương mại nên Bộ Y tế chưa áp dụng tờ khai về kiểm dịch y tế quốc tế.

Liên quan đến phác đồ điều trị cúm H7N9, Tổ chức Y tế thế giới cho biết đến nay thuốc Tamiflu vẫn là thuốc nhạy cảm trong điều trị và dự phòng cúm. Tuy nhiên, người dân cần phải tự bảo vệ mình bằng cách giữa vệ sinh thân thể, môi trường, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không an toàn. Cần nấu chín gia cầm ở nhiệt độ cao vì vi rút cúm gia cầm sẽ chết ở nhiệt độ cao. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm từ việc sử dụng gia cầm chín.



Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc