(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua (24/4) thông báo, Nga buộc phải có phản ứng bằng quân sự trước diễn biến tình hình đang leo thang nghiêm trọng ở Ukraine hiện nay, cụ thể là chiến dịch dùng vũ lực đàn áp người biểu tình của chính phủ lâm thời mới ở Kiev.
Ảnh minh họa |
Theo ông Shoigu, Nga sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự toàn diện, quy mô lớn để đáp trả diễn biến tình hình đang leo thang ở miền đông nam Ukraine. Đây là nơi chính quyền lâm thời ở Kiev vừa tái khởi động trở lại một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào chính các công dân của họ.
“Chúng tôi buộc phải phản ứng trước một diễn biến như vậy trong tình hình ở Ukraine”, Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh.
“Bắt đầu từ ngày hôm nay, các cuộc tập trận của những nhóm chiến thuật tiểu đoàn đến từ Quân khu Phía Đông và Nam của Nga sẽ diễn ra liên tục ở khu vực biên giới với Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu thông báo.
Các binh sĩ sẽ tiến hành một loạt cuộc tập duyệt diễu binh và triển khai tập trận để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. “Máy bay sẽ bay sát khu vực biên giới”, ông Shoigu cho biết.
Thông báo trên được đưa ra sau khi xảy ra một cuộc đọ súng giữa những tay súng không rõ danh tính với những người biểu tình ủng hộ chế độ liên bang ở gần thành phố miền đông Slaviansk. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày hôm qua này.
Trước đó, hôm 23/4, Cơ quan An ninh Ukraine đã thông báo khai hỏa trở lại cái mà họ gọi là chiến dịch “chống khủng bố” nhằm đàn áp thẳng tay lực lượng biểu tình ở miền đông.
“Lệnh dùng vũ lực chống lại dân thường đã được đưa ra và nếu bộ máy quân sự đó không dừng lại, thương vong sẽ chỉ tăng lên”, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cảnh báo trong cuộc họp ở thủ đô Moscow. “Các cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan và các nước Baltic chẳng giúp bình thường hóa được tình hình. Vì thế, chúng tôi buộc phải có phản ứng”, ông Shoigu nói thêm.
Theo Bộ trưởng Shoigu, chính quyền lâm thời ở Kiev đang tung ra một lực lượng hùng hậu gồm 11.000 binh lính Ukraine, 160 xe tăng, 230 xe bọc thép và ít nhất là 150 khẩu đạn pháo để thực hiện chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động chống Kiev.
“Các đơn vị thuộc Lực lượng Bảo vệ Quốc gia, những thành phần cực đoan trong nhóm Cánh Hữu và một đơn vị Donbass ‘chống khủng bố’ tình nguyện đang chiến đấu chống lai những người dân hòa bình. Ngoài ra, các lực lượng an ninh và nội địa cũng đang được lệnh đến Lugansk và Donetsk từ những khu vực khác của đất nước để đàn áp những người chống đối”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho hay.
Các đơn vị phá hoại của Ukraine cũng đã được triển khai đến gần biên giới với Nga.
Ngược lại, theo ông Shoigu, lực lượng biểu tình ở miền đông Ukraine chỉ có quân số khoảng 2.000 người và khoảng 100 khẩu súng, hầu hết được lấy từ các đồn cảnh sát địa phương.
NATO cáo buộc Nga dồn ít nhất 40.000 quân đến gần biên giới với Ukraine. Moscow không phủ nhận việc tăng cường lực lượng đến khu vực biên giới nhưng khẳng định hoạt động điều chuyển, triển khai quân trong lãnh thổ của Nga là thuộc đặc quyền của Nga.
Trong khi đó, NATO đã đưa lực lượng đến tiến hành các cuộc tập trận ở Ba Lan từ hôm 23/4 và sẽ có thêm lực lượng của nhiều nước đến tham gia vào các cuộc tập trận ở Baltic trong tuần tới. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski còn đang kêu gọi NATO triển khai 10.000 quân đến nước này.
Ukraine đòi Nga rút quân khỏi biên giới
Sau khi Moscow thông báo tiến hành các cuộc tập trận quân sự rầm rộ trên diện rộng nhằm đáp trả chiến dịch đàn áp người biểu tình của Kiev, Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandr Turchynov hôm qua lại lên tiếng kêu gọi Nga rút quân khỏi khu vực biên giới chung giữa hai nước.
"Chúng tôi yêu cầu Nga ngừng can thiệp vào tình hình nội bộ đất nước Ukraine, chấm dứt những lời đe dọa liên tục và những hành động dọa dẫm đồng thời rút quân khỏi biên giới phía đông của chúng tôi”, ông Turchynov đã phát biểu như vậy trên truyền hình.
Ông Turchynov lại cáo buộc Nga kích động phong trào ly khai ở các khu vực miền đông Ukraine, nói rằng Moscow “hậu thuẫn cho những kẻ khủng bố và giết người”.
Trên thực tế, tình hình bất ổn, rối loạn hiện nay ở miền đông nam Ukraine xuất phát từ chính cách đối xử của chính quyền lâm thời mới ở thủ đô Kiev đối với những người gốc Nga sinh sống đông đảo ở những khu vực này.
Sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên cầm quyền, chính phủ tạm thời ở Kiev đã thể hiện một thái độ bài Nga rõ ràng và có những phát biểu, chính sách thể hiện sự phân biệt đối xử với người gốc Nga ở Ukraine. Điển hình nhất là việc Kiev tính chuyện hủy bỏ vị thế của tiếng Nga ở nước này khi đây là ngôn ngữ chính thức và duy nhất của hàng triệu người dân gốc Nga đang sống ở miền đông nam Ukraine.
Chính vì lý do trên, người dân ở một loạt khu vực gồm Kharkiv, Donetsk, Gorlovka, Slaviansk và Kramatorsk đã từ chối tình thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời hiện nay ở Kiev. Họ tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ kêu gọi giới chức tạm quyền ở Ukraine tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý như ở Crimea.
Đáp lại, chính quyền ở Kiev đã tiến hành cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố”, theo đó họ huy động xe tăng, xe bọc thép, lính đặc nhiệm và các đơn vị pháo binh đến đối phó với người dân.
Tổng thống Vladimir Putin hôm qua cảnh báo, việc Kiev dùng quân sự đàn áp người biểu tình là một tội ác và hành động đó biến những người đang cầm quyền tạm thời ở Ukraine trở thành “những kẻ côn đồn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow tin rằng, điều kiện chính để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “dừng ngay những hành động bất hợp pháp của chính phủ lâm thời ở kiev. Chính phủ này nên hiểu rõ trách nhiệm của họ đối với tất cả những gì đã cam kết trong thỏa thuận Geneva”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc