Trung Quốc thách thức tàu sân bay mạnh nhất của Mỹ

15:27, 23/12/2013
|

(VnMedia) - Sau khi Washington tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á, Trung Quốc tuyên bố đóng một siêu tàu sân bay có quy mô có thể thách thức được chiếc tàu sân bay lớn nhất và mạnh nhất trong hạm đội của Hải quân Mỹ.
 

 Ảnh minh họa

 Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc


Website qianzhan.com dẫn lời các nguồn tin cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho biết, chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của nước này sẽ được hạ thuỷ vào năm 2020.
 
Theo thông báo của giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc, chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ sẽ là một phiên bản lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh. Thiết kế của chiếc siêu tàu sân bay mới của Trung Quốc được cho là sẽ dựa vào phiên bản một tàu sân bay hạt nhân thời Xô-viết có trọng tải 80.000 tấn và có thể mang theo 60 máy bay. Tuy nhiên, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ có trọng tải 110.000 tấn.
 
"Vào thời điểm đó, Trung Quốc sẽ có thể đối đầu với những chiếc chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay tối tân nhất của Mỹ ở ngoài khơi xa”, bài báo viết bằng tiếng Trung được đăng tải trên website qianzhan.com cho hay.
 
Hiện nay, Hải quân Mỹ đang sở hữu trên dưới 10 tàu sân bay hạt nhân tối tân vào bậc nhất trên thế giới. Các hàng không mẫu hạm hiện đại, chủ lực của Hải quân Mỹ hiện giờ chủ yếu là tàu sân bay thuộc lớp Nitmitz, trong đó nổi bật hơn cả là tàu sân bay USS George H.W.Bush.
 
Siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz này là thế hệ tàu sân bay hạt nhân thứ hai của Mỹ. Tàu sân bay lớp Nimitz được đánh giá là tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất thế giới với lượng choán nước vượt 100.000 tấn, dài hơn 330 m, tốc độ trên 30 hải lý/giờ. Loại tàu sân bay lớp này có thể mang theo tối đa gần 100 máy bay, trong điều kiện bình thường mang theo 60-70 máy bay và trực thăng.
 
Tuyên bố đóng siêu tàu sân bay có trọng tải 110.000 tấn nói trên được giới chức quân đội Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang bởi quyết định gần đây của Washington trong việc tăng cường sức mạnh quân sự ở trong và xung quanh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Hồi tháng 9, chiếc tàu chiến đấu ven biển tối tân đầu tiên của Mỹ - USS Freedom đã cập cảng ở Singapore và bắt đầu nhiệm vụ triển khai kéo dài 8 tháng ở khu vực Đông Nam Á.
 
Trong khi đó, tuần trước, Nhật Bản đã khiến khu vực thêm nóng bỏng bởi thông báo tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian 5 năm tới. Theo kế hoạch được thông qua hồi đầu tuần trước, Nhật Bản sẽ mua một loạt vũ khí hạng nặng tối tân, trong đó có những chiếc máy bay do thám không người lái đầu tiên, chiến đấu cơ tàng hình F-35 và hệ thống chiến đấu tinh vi Aegis. Kế hoạch này được xem là nhằm trực diện vào Trung Quốc, vì thế, nó đã khiến Bắc Kinh nhảy dựng lên vì tức giận.
 
Trung Quốc “kiên quyết phản đối” kế hoạch quốc phòng mới của nước láng giềng Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc – ông Geng Yansheng đã cho biết như vậy trong một tuyên bố được đăng tải trên website của bộ này.
 
Nhật Bản đang nỗ lực để đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế nhưng đồng thời nước này cũng đang quay lại tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh và tăng cường các liên minh quân sự với các nước khác, ông Geng đã cáo buộc như vậy.
 
Cho đến nay, những căng thẳng trong khu vực mới chỉ giới hạn ở những hành động phô trương lực lượng vô hại nhưng cũng đã có một vài vụ suýt đụng độ nhau xảy ra.
 
Mới đây, hôm 5/12, chiến hạm USS Cowpens mang tên lửa dẫn đường đã suýt nữa có cuộc đụng độ với nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Mặc dù giới chức ngoại giao ở cả Bắc Kinh và Washington đều tìm cách nói tránh, nói giảm về vụ việc trên nhưng một số nhà phân tích tin rằng, hành động táo bạo chặn đầu tàu tên lửa của Mỹ mang theo thông điệp cảnh báo sắc lạnh của phía Bắc Kinh.
 
“Trung Quốc đang cố làm rõ rằng, nếu Mỹ muốn hoạt động ở vùng lãnh hải này thì nước này cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với tình trạng căng thẳng cao độ. Nếu Mỹ không muốn căng thẳng thì đơn giản là hãy rời đi”, ông Dean Cheng – một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề an ninh và chính trị ở Heritage Foundation, nhận định.
 
Tàu sân bay Liêu Ninh đã được thử thách năng lực chiến đấu
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, Hải quân Trung Quốc hôm qua (22/12) tuyên bố, tàu sân bay đầu tiên của nước này – Liêu Ninh đã tiến hành hơn 100 cuộc thử nhiệm và thực hiện nhiệm vụ huấn luyện để từ hồi đầu tháng 12, khi con tàu này bắt đầu nhiệm vụ ở Biển Đông.
 
"Tàu Liêu Ninh đã thực hiện thành công nhiều vụ thử nghiệm hệ thống chiến đấu và đã lần đầu tiên tiến hành một đợt huấn luyện chiến đấu toàn diện”, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho biết trong một tuyên bố. "Qua chiến dịch này, chúng tôi đã thử nghiệm năng lực chiến đấu của tàu Liêu Ninh cũng như thử thách khả năng hoạt động trên biển của con tàu này”.
 
Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh thực hiện một chuyến đi biển huấn luyện dài ngày như vậy kể từ khi nó được đưa vào biên chế của Hải quân Trung Quốc hồi năm ngoái. Theo Hải quân Trung Quốc, đợt thực hiện nhiệm vụ lần này của tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm với tiêu chuẩn khắt khe và trong điều kiện phức tạp cũng như phối hợp với nhiều đơn vị quân sự khác.
 
Trung Quốc đưa tàu sân bay vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với một loạt nước láng giềng đang leo thang vì tranh chấp lãnh thổ
 
Mặc dù vậy, chiếc tàu sân bay của Trung Quốc hoàn toàn không phải là thứ vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chơi. Bắc Kinh rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ nhưng giới chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu khả năng chiến đấu thực thụ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc