Trung Quốc “nhảy dựng” vì láng giềng thách thức

07:37, 23/12/2013
|

(VnMedia) - Sau khi Nhật Bản tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã “nhảy dựng” lên chỉ trích gay gắt Tokyo đồng thời “tung đòn” đáp trả.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 17/12 đã nhất trí thông qua khoản ngân sách quốc phòng trị giá 24,7 nghìn tỉ Yên (khoảng 240 tỉ USD) trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019. Như vậy, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã tăng lên 5%, từ mức 23,5 nghìn tỉ Yên trong 5 năm tính đến tháng 3 năm 2014 lên mức 24,7 nghìn tỉ Yên. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
 
Theo thông báo của Nhật Bản, họ sẽ dùng khoản ngân sách quốc phòng mới để mua sắm một loạt vũ khí tối tân và thiện chiến bao gồm 3 máy bay không người lái, 52 tàu đổ bộ, 17 máy bay Osprey, 5 tàu ngầm, 2 chiếc tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu chống tên lửa tối tân Aegis và 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Tất cả gói vũ khí này đều được thiết kế để tăng cường các hoạt động do thám hàng hải và củng cố năng lực bảo vệ các quần đảo ở xa của Nhật Bản.
 
Bước đi mới nhất của Tokyo được tin là hành động nhằm trực diện vào Bắc Kinh trong bối cảnh hai nước đang tranh giành nhau quyết liệt một quần đảo ở biển Hoa Đông. Nó cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm và mong muốn củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa từ chương trình tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như các hành động của nước này trong thời gian gần đây nhằm tìm cách tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Tokyo ở biển Hoa Đông.
 
Phản ứng trước diễn biến mới nói trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 21/12 đã thể hiện sự giận dữ và phản đối gay gắt. Bộ Quốc phòng Trung Quốc miêu tả hành động tăng chi tiêu quân sự của Nhật Bản là dấu hiệu “cực kỳ đáng lo ngại” cho Châu Á và thế giới. Vì thế, Bắc Kinh tuyên bố phản đối kịch liệt hành động của nước láng giềng.
 
Trung Quốc cho rằng, các kế hoạch quân sự của Nhật Bản làm dấy lên hoài nghi về việc liệu nước này có đi vượt xa quá nhu cầu quốc phòng để xây dựng một lực lượng “chiến đấu hung hăng”.
 
"Một mặt, Nhật Bản tự nhận là một đất nước yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là liên quan đến chính sách quốc phòng. Tuy nhiên, mặt khác, nước này lại tuyên bố theo đuổi cái gọi là chính sách ‘hòa bình chủ động’”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã viết như vậy trong một tuyên bố được đăng tải lên website của cơ quan này.
 
"Chính sách an ninh quân sự của Nhật Bản thực sự sẽ đi đến đâu từ đây? Điều này không thể không làm dấy lên những quan ngại sâu sắc đối với các nước láng giềng Châu Á và cộng động quốc tế”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
 
Trước đó, hôm 18/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cũng đã lên tiếng cho rằng, "các chính sách của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự và an ninh có liên quan đến định hướng phát triển quốc gia và sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Với những hoạt động tiêu cực của Nhật Bản trong vấn đề lịch sử, các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế nên cảnh giác cao độ trước hành động của Nhật Bản”.
 
Tiếp lời bà Hua, tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Trung Quốc, cũng có bài viết chỉ trích gay gắt Nhật Bản và Thủ tướng Abe. Tờ báo này cho rằng, Nhật Bản đang ngày một “hiếu chiến” và đi ngược lại với con đường phát triển hòa bình trước đây. Cũng giống như Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tờ báo này xoáy vào cụm từ “chính sách hòa bình chủ động” mà Nhật Bản nhắc đến trong kế hoạch mới của họ. Theo Tân Hoa xã, từ “chủ động” có nghĩa là hành động một cách tích cực và thậm chí là có thể tung ra đòn tấn công phủ đầu.
 
“Để che giấu tham vọng của Nhật Bản trong việc trở thành một cường quốc quân sự, Thủ tướng Abe đã vạch ra một kế hoạch an ninh dưới vỏ bọc được miêu tả là nhằm đưa Nhật Bản trở thành một lực lượng đóng góp chủ động và tích cực cho hòa bình”, tờ Tân Hoa Xã đã viết như vậy.
 
4 tàu Trung Quốc lượn lờ gần vùng tranh chấp
 
Trong một động thái được cho là nhằm thể hiện sự tức giận và thách thức trước kế hoạch tăng chỉ tiêu quốc phòng của Nhật Bản, Trung Quốc hôm qua (22/12) đã đưa 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển xâm nhập vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Thông tin này đã được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Vụ xâm nhập mới nhất nói trên diễn ra lúc khoảng 11h30 sáng qua và đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu vào vùng tranh chấp kể từ ngày 8/12. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi.
 
Các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã rời khỏi vùng tranh chấp từ phía tây bắc Uotsuri – một trong những hòn đảo thuộc dãy đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Đơn vị số 11 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở Naha, quận Okinawa, cho hay.
 
Đây là lần thứ 73 tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản kể từ khi Tokyo chính thức mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm 2012.
 
Mối quan hệ giữa cường quốc kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới trong thời gian gần đây rơi vào căng thẳng cao độ vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo này đã nằm trong sự quản lý của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay nhưng Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng này để nhằm tranh giành chủ quyền trong khu vực.
 
Trong 20 năm qua tính đến năm 2012, Nhật Bản luôn là nước đứng thứ sáu thế giới về chi tiêu quốc phòng. Ngược lại, Trung Quốc đã nhảy một phát từ nước có chi tiêu quân sự lớn thứ bảy lên vị trí thứ hai, ngay sau Mỹ, sau khi cường quốc Châu Á này liên tục trong nhiều năm liền tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số.
 
Mặc dù Trung Quốc đang duy trì tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số với những kế hoạch hiện đại hóa quân đội rầm rộ nhưng nước này lại sôi sục trước việc lần đầu tiên Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 5%.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc