Nga tăng cường trực chiến ở Bắc Cực với vũ khí đặc chủng

08:32, 27/12/2013
|

(VnMedia) - Nhà máy chế tạo máy bay Ulan-Ude của Nga hôm 25/12 cho biết, nhà máy này đang phát triển một phiên bản cải tiến của loại trực thăng vận tải lừng danh Mi-8 để sử dụng cho quân đội trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Bắc Cực.
  
Phiên bản cái tiến của Mi-8 sẽ được trang bị một động cơ mạnh hơn, một máy phát điện linh hoạt.
 
Ngoài ra, phiên bản Bắc Cực của loại trực thăng này còn đường trang bị càng trượt tuyết để đảm bảo cho việc hạ cánh trên tuyết và vùng đầm lầy. Trực thăng sẽ có được thiết bị tạo lực mạnh hơn, cho phép tiếp tục cất cánh ngay cả khi một trong hai động cơ ngừng hoạt động.

Ảnh minh họa

Ông Sergei Solomin – kỹ sư trưởng của nhà máy còn cho biết: “hệ thống tỏa nhiệt làm ấm cho cabin máy bay được thiết kế dựa trên những công nghệ của tàu vũ trụ”.
 
Mi-8 được trang bị động cơ tuốc bin trục và cánh quạt đuôi mạn trái. Mi-8 có chiều dài 5,34m; rộng 2,34m và cao 1,8m với phi hành đoàn 3 người; trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn, trong đó khoang chở hàng có sức chứa 4.000 kg. Trong trường hợp chở quân, khoang phía sau máy bay có 12 ghế ngồi cho binh sỹ hoặc một giường bệnh khi làm nhiệm vụ cứu thương binh.
 
Trong những trường hợp tác chiến khác nhau, Mi-8 có thể mang tên lửa không đối không Igla-V AMM, hoặc tên lửa không đối đất Shturm-V và 4 dàn phóng rocket B8V20. Ngoài những vũ khí tấn công cơ bản, Mi-8 còn trang bị một súng máy tự động 2 nòng GSh-23L 23mm, 02 súng máy tự động 7,62mm PKT đặt ở cửa máy bay và 06 súng trường tấn công AKS-74U gắn bên cạnh cửa sổ.
 
Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác.
 
Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.
 
Bắc cực được cho là có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ chưa được khai thác . Hiện Bắc cực đang trở thành trung tâm của các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, khi nhiệt độ trái đất tăng dần dẫn đến tình trạng băng tan, tạo cơ hội cho việc khai thác dầu khí ở khu vực được cho là khắc nghiệt nhất thế giới này.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc