(VnMedia) - Hải quân Nga có ý định thiết lập một sự hiện diện hùng hậu ở biển Địa Trung Hải, cụ thể là ở khu vực gần sát với bờ biển Syria, bằng việc triển khai hạm đội lên tới 10 tàu chiến, trong đó có nhiều tàu chiến uy lực. Thông tin này vừa được Đô đốc của Hạm đội Nga ở Địa Trung Hải – ông Viktor Chirkov tiết lộ.
Tàu chiến Nga |
“Nhiệm vụ rất rõ ràng: đó là để tránh nguy cơ nhỏ nhất đối với an ninh quốc gia. Đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các hạm đội trên thế giới. Họ có mặt ở đó khi căng thẳng leo thang. Tất cả họ đều sẽ hành động theo kế hoạch từ bộ chỉ huy chiến dịch. Nga sẽ tăng cường hạm đội của mình ở Địa Trung Hải cho đến khi cảm thấy đủ lực để có thể thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra”, ông Chirkov cho các phóng viên biết hôm 12/9.
Việc Nga huy động một số lượng lớn tàu chiến như vậy đến gần Syria diễn ra khi mà Mỹ cũng triển khai một lực lượng tàu chiến hoành tráng gồm 4 tàu khu trục mang theo hàng trăm tên lửa thiện chiến Tomahawk ở đây và một đội tàu sân bay tấn công cách xa hơn một chút nhằm sẵn sàng tiếp viện cho một hành động quân sự của Mỹ vào đất nước Trung Đông bất kỳ lúc nào.
Vùng biển ngoài khơi Syria giờ đây đang chứng kiến sự triển khai dày đặc các tàu chiến uy lực của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Nó cho thấy mức độ nóng bỏng trong cuộc khủng hoảng ở Syria.
Nga đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải vào năm 2012 và bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, Hải quân Nga đã thiết lập sự hiện diện liên tục, cố định ở phía đông biển Địa Trung Hải, nơi tiếp giáp với Syria.
Vào ngày 1/5/2013, tất cả các tàu chiến Nga hoạt động trong khu vực đã được lập thành một đội đặc biệt hoạt động dưới bộ chỉ huy chiến dịch trong vùng.
Hiện tại, đang có 7 tàu chiến Nga được triển khai ở Địa Trung Hải, gồm tàu đổ bộ Aleksandr Shabalin, Đô đốc Nevelskoy’, Peresvet, Novocherkassk và Minsk từ Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Baltic của Nga cùng với tàu hộ tống Neustrashimy và tàu chống ngầm Đô đốc Panteleyev.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, tàu tên lửa Moskva của Nga đã đi qua Eo biển Gibraltar hôm 10/9 và được cho là sẽ đến điểm đến cuối cùng là phía đông Địa Trung Hải vào ngày 15 hoặc 16/9.
Hai chiếc tàu chiến của Hạm đội Biển Đen của Nga gồm tàu khu trục mang tên lửa điều khiển Smetlivy và tàu đổ bộ Nikolay Filchenkov đã lần lượt rời cảng ở Sevastopol và Novorossiysk, đang trên đường tới phía đông Địa Trung Hải. Sáng sớm ngày 13/9, hai con tàu này được cho là đã đi qua Eo biển Bosphorus.
Khi tàu Moskva đến ơi làm nhiệm vụ, chỉ huy của con tàu này – ông Sergey Tronev sẽ tiếp nhận vị trí chỉ huy đội tàu chiến đặc biệt của Nga đang làm nhiệm vụ ở vùng biển áp sát Syria.
Ngoài ra, hơn 80 tàu chiến Nga và các tàu hỗ trợ khác đang hoạt động ở khắp các vùng biển thế giới. “Trong thời bình, nhiệm vụ chính của Hải quân Nga là hiện diện ở những khu vực căng thẳng về quân sự, chính trị và cũng là nơi tập trung các lợi ích của Nga”, ông Chirkov nói.
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến sự đối đầu gay gắt và quyết liệt giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga, Trung và bên kia là các cường quốc phương Tây do Mxy dẫn đầu. Trong khi Moscow và Bắc Kinh phản đối kịch liệt sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình Syria thì phương Tây lại tìm cách hậu thuẫn cho phe nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tình hình cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu nóng lên một cách đáng lo ngại sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8. Mỹ và phương Tây nhanh chóng đổ lỗi cho chính quyền của ông Assad đã gây ra vụ tấn công được cho là cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người này. Washington đã tuyên bố sẽ tiến đánh Syria để trừng phạt cho hành động “bước qua lằn ranh đỏ” của ông Assad.
Tuy nhiên, Nga đã ra sức ngăn chặn hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria. Moscow tin rằng, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thủ đô Damascus không phải là do chính quyền Assad gây ra mà là do phe nổi dậy dàn dựng để lôi kéo sự can thiệp của phương Tây vào cuộc chiến ở nước này.
Hiện tại, Nga và Mỹ đã tìm kiếm được một thỏa thuận chung nhằm tháo "ngòi nổ" trong cuộc khủng hoảng ở Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc