Quân Nga ồ ạt tiến vào láng giềng, NATO hốt hoảng

09:14, 29/04/2017
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Estonia mới đây đã nói rằng, Nga có thể lợi dụng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn sắp tới để đưa hàng nghìn binh lính vào đóng lâu dài trong đất nước Belarus như một lời cảnh cáo, răn đe đối với NATO.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nga và Belarus có kế hoạch tiến hành tập trận chung vào tháng 9 tới – một cuộc tập trận mà một số nước đồng minh của NATO tin rằng có thể có sự tham gia của hơn 100.000 binh sĩ với những bài tập huấn luyện liên quan đến vũ khí hạt nhân. Đây sẽ là cuộc tập trận lớn nhất như vậy kể từ năm 2013.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Margus Tsahkna hôm (27/4) cho biết, Estonia và các chính phủ NATO khác có trong tay những thông tin tình báo cho thấy Moscow có thể để lại lực lượng binh sĩ trên lãnh thổ Belarus sau khi cuộc tập trận mang tên Zapad 2017 kết thúc.

Theo lời ông Tsahkna, Nga có kế hoạch chuyển 4.000 toa tàu đến Belarus để vận chuyển binh sĩ và vũ khí, có thể là để thiết lập một tiền đồn quân sự trên lãnh thổ của Balarus - đồng minh thân thiết nhất của Nga trong khu vực.

"Đối với binh sĩ Nga đến Belarus tập trận, đó sẽ là tấm vé một chiều”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Tsahkna cho hãng tin Reuters biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Malta.

"Chúng tôi đang theo dõi những gì họ làm ở bên kia biên giới của EU và NATO. Binh sĩ của họ sẽ ở lại đó sau cuộc tập trận Zapad," ông Tsahkna cho biết, nói thêm rằng Tallinn chia sẻ mối quan ngại với các nước Baltic và NATO. Vị quan chức quân sự hàng đầu của Estonia cho rằng, số binh sĩ Nga tham gia tập trận sẽ lên tới hàng nghìn.

"Đây không phải là ý kiến cá nhân của riêng tôi. Chúng tôi đã phân tích rất kỹ cách mà người Nga chuẩn bị cho cuộc tập trận Zapad", ông Tsahkna cho biết trước thềm cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Nếu Moscow thực sự để lại lực lượng đóng tại Belarus thì động thái như vậy đồng nghĩa với việc binh sĩ Nga sẽ đóng ngay tại khu vực biên giới với Ba Lan, Lithuania và Latvia trong bối cảnh NATO cũng đang dàn các tiểu đội đa quốc gia ở những nước trên để đối phó với Nga.

Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra lời bình luận gì về thông tin nói trên.

Moscow bác bỏ bất kỳ kế hoạch nào gây ra mối đe dọa cho NATO đồng thời nhấn mạnh chính liên minh do Mỹ dẫn đầu mới là lực lượng đang có nguy cơ gây bất ổn ở khu vực Đông Âu. Điện Kremlin không cho biết sẽ có bao nhiêu binh sĩ Nga tham gia vào cuộc tập trận Zapad 2017.

“Vấn đề niềm tin”

Quy mô của cuộc tập trận Zapad năm nay là một trong vấn đề gây quan ngại lớn nhất đối với NATO bởi các nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng, cuộc tập trận đó không đơn giản chỉ là một cuộc diễn tập quân sự đơn thuần. Các cuộc tập trận Zapad đã được tổ chức từ thời Xô-viết và chúng thường được tiến hành để thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới.

Cuộc tập trận Zapad quy mô lớn trước đây vào năm 2013 được thực hiện trên kịch bản huấn luyện lực lượng đặc nhiệm với sự tham gia của các tên lửa tầm xa và máy bay không người lái. Các lực lượng này sau đó được Nga sử dụng trong vụ sáp nhập bán đảo Crimea, trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine cũng như trong chiến dịch can thiệp vào Syria.

Nga tuyên bố cuộc tập trận Zapad sắp tới của họ là đòn đáp trả đối với lực lượng răn đe mới gồm 4.000 quân mà NATO đem đến đặt xung quanh Nga, ở các nước Baltic và Ba Lan, từ hồi tháng Sáu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng Một từng tuyên bố, kịch bản của cuộc tập trận Zapad 2017 sẽ “tính đến tình hình liên quan đến các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của NATO ở dọc biên giới với Nga”.

Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc