Mỹ mất đồng minh Đông Nam Á vào tay Trung Quốc?

17:33, 30/08/2016
|

(VnMedia) - Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, đã chọn Trung Quốc thay vì Mỹ trong chuyến công du ngoài khu vực Đông Nam Á đầu tiên.

Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Việc bà Suu Kyi chọn Trung Quốc chứ không phải chọn đồng minh thân thiết cho thấy ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền Myamar hiện nay là phát triển quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Washington rõ ràng không thể vui được trước việc họ có nguy cơ mất đồng minh Đông Nam Á vào tay Trung Quốc sau khi đã nỗ lực đưa chính quyền hiện tại ở Myanmar lên cầm quyền.

Bà Suu Kyi tuy không phải là Tổng thống Myanmar nhưng thực chất lại là người nắm thực quyền lãnh đạo ở quốc gia Đông Nam Á. Chính vì thế, mọi động thái của bà này luôn thu hút sự chú ý bởi thông qua đó người ta có thể nắm được lập trường và chính sách của chính phủ Myanmar hiện tại. Việc bà Suu Kyi chọn đến thăm Trung Quốc trước hai đối tác quan trọng là Mỹ và Ấn Độ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng hoàn toàn là điều dễ hiểu. Sự ngạc nhiên là có bởi quan hệ giữa bà Aung San Suu Kyi với Trung Quốc trước đây vốn không hề êm đẹp, thậm chí là đối đầu nhau. Trong thời gian khi bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia suốt hai thập kỷ với tư cách là một chính khách đối lập, Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất và thân thiết nhất của chính quyền quân sự. Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền quân sự của Myanmar và đối đầu với bà Suu Kyi. Tuy nhiên, lựa chọn Trung Quốc của bà Suu Kyi lại là một điều hoàn toàn dễ hiểu bởi vấn đề lợi ích luôn được đặt lên cao nhất trong quan hệ giữa các nước.

Bà Suu Kyi sẵn sàng gạt bỏ chuyện quá khứ, tìm đến với Trung Quốc bởi bà cần Trung Quốc để đạt được những mục đích ưu tiên cao nhất vào thời điểm này – đó là bình ổn đất nước và phát triển kinh tế.

Chuyến thăm Bắc Kinh của bà Suu Kyi từ ngày 17 đến 21/8 được dư luận đặc biệt chú ý và có tầm quan trọng to lớn trong việc định hình hướng đi mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Myamar đồng thời nó cũng gây tác động không nhỏ đến cục diện quan hệ quốc tế không khu vực và thế giới. Báo giới đã dùng những từ như chuyến thăm lịch sử, chuyến thăm mở ra chương mới, thời đại mới trong hợp tác Trung-Quốc-Myanmar để miêu tả về chuyến công dù của nữ chính khách quyền lực Suu Kyi.

Trung Quốc cũng đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nối lại quan hệ đối tác thân thiết với Myanmar vì rất nhiều lợi ích chính trị và kinh tế. Chính vì thế, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón bà Suu Kyi với nghi thức tiếp đón trọng thị chỉ sau Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà Suu Kyi đến Bắc Kinh với mong muốn đạt được hai mục đích cao nhất là hòa giải dân tộc, ổn định đất nước đồng thời tăng cường phát triển kinh tế. Trung Quốc được xem là nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc giúp Myanmar hòa giải với các nhóm phiến quân thiểu số đã hoành hành, gây bất ổn ở biên giới Myanmar trong nhiều thập kỷ qua bởi Trung Quốc được cho là đang hậu thuẫn cho các nhóm này. Sự tham gia của Trung Quốc sẽ đảm bảo một thành công cho Hội nghị hòa bình dự kiến diễn ra vào ngày 31/8 tới tại Panglong. Bà Suu Kyi đã khôn ngoan khi thực hiện chuyến thăm đến Bắc Kinh ngay trước thềm hội nghị quan trọng này. Và bà đã nhận được câu trả lời mong muốn từ Trung Quốc khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ “phát huy vai trò xây dựng” trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Myanmar, đảm bảo cho “Hội nghị Panglong thế kỷ 21” về hòa giải dân tộc ở Myanmar đạt kết quả tích cực.

Mục đích quan trọng thứ hai trong chuyến đi đến Bắc Kinh của bà Suu Kyi là lợi ích kinh tế. Chính quyền Myamar đang vô cùng cần dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc để khôi phục kinh tế. Trung Quốc lâu nay vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar, kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm tới 40% tổng kim ngạch ngoại thương của Myanmar. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar, chiếm tới gần 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trung Quốc không thể giấu nổi sự vui mừng khi “bỗng dưng” có được cơ hội khôi phục lại quan hệ đối tác thân thiết với Myamar – điều mà họ luôn mong muốn.

Trung Quốc từng rất lo ngại khi chứng kiến Mỹ và phương Tây giành được ảnh hưởng ở Myanmar thông qua việc hậu thuẫn tích cực để đưa chính quyền dân chủ hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á lên cầm quyền bởi Myanmar đóng vai trò là một đối tác cực kỳ quan trọng của Trung Quốc cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trung Quốc từng lo sợ mất Myanmar vào tay Mỹ. Giờ đây, đến lượt Washington lại cảm thấy lo ngại.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính quyền Myanmar hiện nay đang đi theo đường lối trung lập, phát triển quan hệ với cả Mỹ, Trung Quốc để tận dụng tối đa lợi ích. Vì thế, Trung Quốc cũng không nên vui mừng quá sớm và Mỹ cũng không nên quá lo lắng.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc