Bị láng giềng kéo tên lửa đến sát nách, Trung Quốc "rụng rời"

08:27, 26/08/2016
|

(VnMedia) - Khi Ấn Độ có kế hoạch trang bị cho lực lượng quân sự đóng dọc biên giới với Trung Quốc những tên lửa tối tân BrahMos, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lo ngại kêu gọi sự bình tĩnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giữa Bắc Kinh và New Delhi tồn tại một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở khu vực biên giới Tây Tạng.

Để bảo vệ chủ quyền của mình, New Delhi có kế hoạch triển khai hàng loạt tên lửa hành trình tối tân BrahMos đến khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Tên lửa BrahMos được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn nhanh nhất thế giới. Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ. Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga. Loại tên lửa này có thể được phóng đi từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay hoặc từ mặt đất.

Phản ứng trước kế hoạch dàn tên lửa của Ấn Độ, Trung Quốc kêu gọi nước láng giềng củng cố “sự ổn định”. “Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ có thể nỗ lực nhiều hơn vì hòa bình và sự ổn định ở khu vực biên giới. Để duy trì hòa bình và sự ổn định dọc biên giới Ấn Độ-Trung Quốc cần sự đồng thuận quan trọng từ cả hai phía”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho các phóng viên biết.

Một bài xã luận gần đây trên tờ Nhật báo PLA của Trung Quốc cũng đã thể hiện quan điểm tương tự. "Tin tức đó thu hút sự chú ý rất lớn. Động thái của Ấn Độ trong việc triển khai tên lửa đến biên giới đã vượt quá nhu cầu phòng thủ cần thiết và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực Tây Tạng và Vân Nam", bài báo của PLA viết.

"Kế hoạch triển khai tên lửa BrahMos chắc chắn sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh và thù địch ở khu vực biên giới Trung-Ấn và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định trong khu vực”, báo Trung Quốc tiếp tục bình luận.

Ấn Độ đang đàm phàn một thỏa thuận với Mỹ để mua các hệ thống bích kích pháo M777A2 mà nước này định triển khai ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang có trục trặc liên quan đến vấn đề giá cả.

Những hoạt động củng cố lực lượng quân sự ở khu vực biên giới Trung-Ấn đang gia tăng trong những tuần gần đây. Hồi tháng trước, Ấn Độ đã triển khai gần 100 xe tăng đến khu vực Ladakh. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo về những hậu quả kinh tế mà New Delhi phải gánh chịu vì hành động trên.

Kiệt Linh (theo Sputnik)


Ý kiến bạn đọc