Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Kiến nghị thành lập Tòa án Hiến pháp

06:47, 16/11/2012
|

(VnMedia)- Chiều 15/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Mở đầu phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của nhà nước ta. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc.

Để thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 phù hợp với tình hình mới. Ngày 6/8/2011 Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Sau hơn một năm triển khai, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Sáng ngày mùng 6/11/2012, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong chiều 15/11 và cả ngày 16/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp.

Trong buổi chiều 15/11 các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề hình thức đối tượng lấy ý kiến nhân dân; thời gian lấy ý kiến nhân dân; và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Nhiều ý kiến về quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương

Trong phần phát biểu ý kiến của mình, Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho biết, “đồng tình cao với phương án quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”.

Theo đại biểu, mục tiêu của Hiến pháp năm 1992 là xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Xây dựng quyền lực nhà nước chính là xây dựng quyền lực của nhân dân, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, chứ không phải là quyền lực tập trung trong tay các vị đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực hiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của nhân dân các cấp làm cho Hội đồng nhân dân chưa thoát khỏi tình trạng hình thức, không thực quyền, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, vai trò vị trí của các cơ quan dân chủ chưa tương xứng, chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân, thậm chí bị mờ nhạt và thụt lùi so với quy định của pháp luật”, đại biểu nói.

Trên cơ sở phân tích nói trên, đại biểu Triệu Là Pham đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương theo Hiến pháp năm 1992, như vậy là chính xác và hợp lý. Đây là một chế định rất quan trọng để tiếp tục khẳng định quyền lực của nhân dân trong bộ máy chính quyền. Đồng thời bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn những người do Hội đồng nhân dân bầu thành chế định thường xuyên hàng năm để giám sát có hiệu quả hoạt động các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đại biểu cũng cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Hoàn thiện thể chế giám sát, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Hội đồng nhân dân, kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả tổ chức hoạt động của chính quyền dân cử ngày càng có thực quyền xứng đáng với vai trò vị trí và ý chí nguyện vọng của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thì chia sẻ, “nhất trí với phương án Hội đồng nhân dân có quyền quyết định các biện pháp đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, quyết định các vấn đề  quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương".

Theo đại biểu, Nhà nước ta được tổ chức theo hình thức Nhà nước đơn nhất chứ không phải là Nhà nước liên bang hay liên minh, do vậy quyền lực Nhà nước được tổ chức thống nhất không phân chia quyền lực Trung ương và quyền lực địa phương. Nếu quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thì dẫn đến cách hiểu phân tán quyền lực Trung ương và địa phương. Như vậy, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức nhà nước của nước ta theo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu). Đại biểu cho rằng, không xác định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng cần làm rõ Hội đồng nhân dân là cơ quan chính quyền nhà nước có toàn quyền ở địa phương, vừa chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, vừa chịu trách nhiệm trước chính quyền Nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân thành lập ra cơ quan chấp hành để thực hiện các hoạt động thường xuyên, nên mọi sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với chính quyền địa phương cần phải thông qua Hội đồng nhân dân”, đại biểu nêu.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) lại không đồng tình với phương án Hội đồng nhân dân chỉ là cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương, chứ không quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương để đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, không phân tán.

Chúng tôi không đồng tình với cách lý giải này bởi lẽ, không thể nói có quyền lực Nhà nước ở địa phương thì phân tán quyền lực chung của Nhà nước mà ngược lại thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân ở các địa phương là điều kiện cho việc thống nhất và tập trung quyền lực chung của nhân dân cả nước, là điều kiện bảo đảm cho mỗi người dân và mỗi cộng đồng nhân dân ở địa phương thực hiện quyền lực Nhà nước của mình theo chủ trương của Đảng và theo quy định của pháp luật”, đại biểu Trần Minh Diệu nói.

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và các vấn đề quan trọng của địa phương là chúng ta tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp hiện hành. Đại biểu cho rằng, Hội đồng nhân dân là cơ quan được nhân dân trực tiếp bầu ra cho nên được nhân dân ủy quyền do đó, “đề nghị giữ như quy định hiện hành”.

Kiến nghị thành lập Tòa án Hiến pháp

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), việc lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo Hiến là vấn đề rất mới đối với nước ta. Mặc dù Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đề cập đến, nhưng không lựa chọn phương án này và cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, đề cao vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhưng, theo đại biểu, “việc nghiên cứu, thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo Hiến là bước tiến mới, cũng là quá trình cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định và được thể tại Điều 2 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi”.

Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm đề xuất với Quốc hội thảo luận thành lập cơ quan này theo hướng là một cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, quy tụ những chuyên gia pháp luật đầu ngành và kỳ cựu của đất nước có trình độ pháp lý cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trung thành với nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm việc hết lòng, hết sức nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Có như vậy cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế bảo Hiến mới có quy định hiệu quả trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi qua thực tiễn”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cũng tán thành ý kiến thành lập Hội đồng Hiến pháp hoặc có thể thành lập hẳn một cơ quan tách rời khỏi Quốc hội. Ví dụ như Tòa án Hiến pháp giữ vai trò là cơ quan bảo vệ Hiến pháp bởi vì Quốc hội là cơ quan ban hành Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, thành lập một cơ quan Hội đồng Hiến pháp trực thuộc Quốc hội giữ vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát tính hợp hiến các văn bản luật sẽ không khả thi trên thực tế, vừa đá bóng vừa thổi còi.

Theo đại biểu, “mô hình Tòa án Hiến pháp đã được nhiều nước áp dụng và đã phát huy hiệu quả, chúng ta nên tham khảo mô hình tổ chức Tòa án Hiến pháp đang áp dụng ở một số quốc gia khác”.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc