(VnMedia) - Sau khi hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô vào năm 2008, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo giải quyết những vướng mắc cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp đặc biệt là việc trả đất dịch vụ dân. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, tiến độ giao đất dịch vụ vẫn dậm chân tại chỗ.
Tại sao một trong những chính sách được thiết lập nhằm tái ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho những người nông dân mất ruộng lại chậm đến như vậy?
Một khu đất dich vụ huyện Hoài Đức bị bỏ hoang |
Thu hồi 70% đất nông nghiệp... để bỏ hoang
Năm 2005, UBND tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội đã thu hồi của gia đình chị Phạm Thị Đào gần 1.200m2 đất nông nghiệp tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức để làm dự án. Theo quy định, gia đình chị Đào sẽ được nhận hơn 100m đất dịch vụ. Năm 2008, chính quyền xã Kim Chung đã thông báo cho gia đình chị Đào phải đóng tiền xây dựng hạ tầng cho khu đất dịch vụ. Vì muốn được lấy đất nhanh, chị Đào liều mình đi vay tín dụng đen để có tiền nộp.Thế nhưng, đã 10 năm trôi qua, 100m2 đất dịch vụ mà chính quyền địa phương hứa trả khi gia đình chị vẫn chưa biết nằm ở vị trí nào trong mảnh đất hoang hóa rộng 25 ha ngoài kia.
Niềm hy vọng còn lại là mong sớm có được đất dịch vụ để một phần cho con, cháu chỗ ăn chỗ ở, một phần cũng mong có thể bán lấy tiền để trả lãi tín dụng đen, chị Phạm Thị Đào cho biết, "kể từ khi mất ruộng, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. 3 thế hệ gia đình gồm 8 người chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ việc thu gom phế liệu và số tiền ít ỏi mà chồng tôi đi làm thợ hồ gửi về. Trong khi đó, bao năm nay dân mất ruộng không có sản xuất, đất dịch vụ thì không được trả".
Câu chuyện của gia đình chị Đào chỉ là 1 trong hơn 2.000 hộ tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ruộng mất, đất bỏ không, công ăn việc làm không ổn định, hàng nghìn người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào đất dịch vụ để tái ổn định cuộc sống.
Thế nhưng hơn 36 ha được quy hoạch làm đất dịch vụ lại bị bỏ hoang như thế này từ nhiều năm qua, trong khi hàng nghìn người dân tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội lại phải ngồi chơi vì đã giao toàn bộ đất ruộng cho chính quyền địa phương để thực hiện hàng chục những dự án lớn nhỏ trên địa bàn. Hơn 80% đất ruộng bị thu hồi để triển khai các dự án lớn nhỏ trên địa bàn, số lượng đất nông nghiệp còn lại thì lại bị xen kẹt, không có đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất.
Ngay sát xã Vân Canh, 1.273 hộ gia đình tại xã Kim Chung huyện Hoài Đức cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù đã bốc thăm nhận số ô số thửa suất đất dịch vụ của mình hết lần này đến lần khác thế nhưng tính đến thời điểm này, chưa có hộ nào nhận mặt được khu đất của mình.
Ông Trần Xuân Lập - xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cho biết, "tiền đóng góp làm hạ tầng dân đã đóng từ rất lâu rồi trong khi đất thì không có. Lãi vay ngân hàng, vay tín dụng đen cứ hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con. Chính quyền cứ nói dân chờ để Nhà nước xem xét chính sách nhưng gần 10 năm nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ".
Không những thế, số đất nông nghiệp ít ỏi còn lại mà những người nông dân này vẫn hàng ngày mưu sinh trên đó đang có nguy cơ tiếp tục bị thu hồi để phục vụ bán đấu giá quyền sử dụng đất kiếm nguồn vốn để phát triển nông thôn mới.
Sau khi bị thu hồi hơn 2.000m đất nông nghiệp năm 2008, gia đình ông Lê Bá Khang ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức chỉ còn lại vỏn vẹn gần 300m đất nông nghiệp để trồng hoa màu. Thế nhưng, gần đây ngày 13/5/2014, UBND huyện Hoài Đức ra thông báo số 83 thu hồi nốt số đất nông nghiệp còn lại của gia đình ông Khang để phục vụ cho dự án bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Lê Bá Khang nói: “2 vợ chồng tôi thì già cả, con cái không công ăn việc làm, chỉ trông chờ vào mỗi chỗ đất nông nghiệp để làm kế sinh nhai nay bị thu hồi thì không hiểu gia đình sẽ làm gì để duy trì cuộc sống?”.
Theo những người dân ở đây, UBND huyện và UBND xã mới chỉ có thông báo về việc thu hồi 4.990m đất của 25 hộ dân bằng văn bản số 83 ngày 13/5/2014 chứ chưa hề có bất kể một phương án cụ thể nào. Thậm chí việc bồi thường hỗ trợ cho người dân cũng có nhiều điểm không thỏa đáng nhưng đã tổ chức cưỡng chế, bắt ép người dân phải tự kiểm đếm và ký nhận biên bản kiểm kê khiến những người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Bà Đỗ Thị Tâm - thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cho biết, trong số 25 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất lần này để lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất thì có 5 hộ kiên quyết không bàn giao với lý do lấy nốt đất nông nghiệp thì họ không còn đường sinh sống. Họ đã tin tưởng giao đất nông nghiệp 1 lần để đổi đất dịch vụ mà đến nay vẫn "bóng chim tăm cá", thậm chí gia đình nào đã có suất đất dịch vụ lần 1 rồi thì lần này chỉ được hỗ trợ 732 nghìn/m2.
Giả sử trung bình mỗi hộ gia đình có 200 m đất bị thu hồi thì sẽ được hỗ trợ gần 147 triệu đồng. Thử hỏi 147 triệu đồng này, họ sẽ sống được bao lâu? Nếu để lại đất nông nghiệp thì họ còn có kế sinh nhai. Trong khi đây là dự án với mục đích bán đấu giá quyền sử dụng đất để kiếm lời, vốn xây dựng nông thôn mới thì liệu có nên thỏa thuận giá với dân hay không?
Điều đáng nói, dự án mà UBND huyện Hoài Đức ra thông báo thu hồi đất nông nghiệp của người nông dân ở trên là để tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, hàng nghìn ha đất nông nghiệp được thu hồi trướng đó hiện vẫn đang bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và gây bức xúc trong nhân dân.
Bất cập chính sách
Theo tìm hiểu của PV, việc giao đất dịch vụ bị chậm chễ là do chính sách có sự thay đổi, thêm vào đó việc quy hoạch đất dự án bị chồng lấn nên huyện Hoài Đức hiện nay thiếu rất nhiều đất dịch vụ để trả cho dân.
Ông Nguyễn Viết Khánh - Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, nếu như trước đây, Nghị Định 64 năm 1993 về giao đất nông nghiệp của Chính phủ thì chia theo khẩu, tuy nhiên khi thu hồi thì lại thu hồi đất của cả hộ gia đình và trả đất dịch vụ theo hộ gia đình nên ít nhiều người dân cũng chịu nhiều thiệt thòi.
“Nếu cứ chiếu theo quy định của pháp luật thì hộ gia đình nào càng đông con, đông nhân khẩu, bị thu hồi càng nhiều đất ruộng thì càng thiệt thòi vì hạn mức tối đa họ chỉ nhận được 150m2 đất dịch vụ mà thôi” – ông Khánh nói.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm chính về đất dịch vụ, do vướng mắc về chính sách cho nên đến nay, Hà Nội mới chỉ bàn giao đất dịch vụ cho 31,27% số hộ. Vẫn còn hơn 70.000 hộ dân vẫn chưa được giao đất. Báo cáo cũng cho biết, tính đến giữa tháng 11/2015 Tổng nhu cầu quỹ đất dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội là 800,663ha; số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 77.079 hộ. Diện tích quỹ đất đã tổ chức giao đất dịch vụ là 165,49ha cho 24.105 hộ
Diện tích đất dịch vụ đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa tổ chức giao là 217,82ha. Diện tích đất đã xong giải phóng mặt bằng nhưng chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 135,68ha. Diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi đất, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 122,05ha. Diện tích đất dịch vụ đã có thông tin quy hoạch, UBND cấp huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư là 150,33ha.
Như vậy số hộ nhận đã nhận được đất dịch vụ là quá thấp so với chỉ tiêu của UBND thành phố Hà Nội đã đề ra vào giữa năm 2014. Đặc biệt tiến độ giao đất dịch vụ tại huyện Hoài Đức chỉ mới đạt được 2,12ha trên tổng số 229,47ha tức là chưa được 1% đất dịch vụ được bàn giao, trong số đó mới chỉ có 416 hộ nhận được đất chiếm tỷ lệ 3%. Như vậy, 11 chỉ tiêu của UBND, HĐND huyện Hoài Đức đặt ra trong năm 2016 sẽ hoàn thành việc trả đất dịch vụ cho người dân là điều bất khả thi.
Có một thực tế rằng, khi các dự án thu hồi đất nông nghiệp của người dân thì toàn bộ do UBND huyện, UBND thành phố chủ trì, UBND cấp xã lại đứng ngoài với vai trò giám sát, giúp việc. Nhưng đến khâu đất dịch vụ của người dân được thu hồi thì UBND cấp huyện và thành phố thì lại phó mặc cho UBND xã chủ trì và đứng ra làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Viết Khánh - Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do sau khi sát nhập địa chính từ Hà Tây cũ vào Hà Nội có sự trùng lặp quy hoạch dẫn đến diện tích đất dịch vụ cho người dân bị thiếu hụt, không đảm bảo chia đủ đất dịch vụ cho người dân. Bên cạnh đó, quy hoạch chung TP Hà Nội có sự thay đổi trên diện rộng, huyện Hoài Đức là đơn vị điển hình cho việc chồng lấn này. Cụ thể, 17 khu đất dịch vụ trên địa bàn huyện bị chồng lấn một số dự án đất dịch vụ thuộc các xã Di Trạch, Vân Canh, La Phù, An Khánh, Lại Yên… làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị quỹ đất và kinh phí thực hiện các dự án đất dịch vụ.
Tuy nhiên, sự chồng lấn quy hoạch đã được phát hiện ngay sau khi sát nhập địa giới hành chính tức là cũng đã được gần 8 năm nay, nhưng phải đến tháng 11 năm 2015, UBND xã Vân Canh mới nhận được bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1:500 từ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội. Vậy trong suốt từng ấy năm, các sở ban ngành Hà Nội có thực sự quan tâm đến đất dịch vụ, đến đời sống của người dân hay không?
Một ví dụ cho thấy, trên địa bàn xã Vân Canh có đến 3 khu đất quy hoạch đất dịch vụ cho người dân bao gồm khu 25ha; khu 4,5ha; khu 6,5ha, tuy nhiên cho đến thời điểm này chỉ có duy nhất khu 4,5ha đang đi vào giai đoạn xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật, còn 2 khu còn lại vẫn đang trong tình trạng chờ xét duyệt.
Ý kiến bạn đọc