(VnMedia) - Trong khi có ý kiến đề xuất để việc tổ chức thi cho các địa phương mà cụ thể là các sở Giáo dục thì nhiều ý kiến cho rằng, nên quay lại 2 kỳ thi như trước đây....
Tại Hội thảo về thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 28/10, nhiều đại biểu đã đưa ra các góp ý như trên.
Cần để các Sở tổ chức thi THPT
GS. Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá việc Bộ GD&ĐT có chủ trương bố trí một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh đại học, cao đẳng (thường được gọi là kỳ thi 2 trong 1) là rất tốt. Đây là một sáng kiến hay.
Tuy nhiên, theo GS. Trần Phương “dứt khoát phải chuyển kỳ thi 2 trong 1” này cho các Sở GD&ĐT tổ chức. Việc các Sở GD&ĐT tự tổ chức thi THPT quốc gia ở địa phương sẽ giúp các thí sinh bớt phải di chuyển nhiều từ tỉnh này sang tỉnh khác, tránh gây ra lãng phí về tài chính. Còn việc tuyển sinh đại học có thể theo 2 cách xét học bạ hoặc xét bằng điểm thi THPT quốc gia. Hai tiêu chí này đều có thể đảm bảo tuyển được học sinh có trình độ cho các trường đại học.
“Chúng ta không cần tổ chức thêm 100 cụm thi và nên giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia, vì mỗi tỉnh có nhiều huyện thì Sở GD&ĐT nên tổ chức cụm thi liên huyện để học sinh bớt phải di chuyển. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ tiếp tục tiết kiệm được chi phi. Bộ tiếp tục giữ vai trò thiết kế đề thi. Trước đây khi Sở tổ chức thi thì vẫn còn hiện tượng giám thi “lơ” cho học trò chép, nhưng với tính chất cạnh tranh ở kỳ thi THPT quốc gia thì chắc tình trạng này sẽ được xóa bỏ” - GS Trần Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, GS. Trần Phương cũng đề nghị hãy cho phép các trường tuyển sinh 2 đợt/1 năm. Việc tổ chức 2 đợt tuyển sinh sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội học đại học và hơn nữa thí sinh có thể bắt đầu học tập được ngay sau khi xét tuyển, tránh lãng phí thời gian của thí sinh.
Đồng quan điểm trên, PGS. Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Đại học Phương Đông cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã thiết kế một chương trình tỉ mỉ cho thi THPT quốc gia, vậy tại sao không tin tưởng giao cho các Sở GD&ĐT, các trường đại học làm mà lại can thiệp quá nhiều vào công tác tổ chức thi, công tác xét tuyển của các trường đại học.
Vì vậy, PGS. Bùi Thiện Dụ kiến nghị Bộ GD&ĐT nên để việc tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp cho các các địa phương, các Sở GD&ĐT phải đứng ra tổ chức, nếu cần có thể có thêm các cụm thi liên xã, liên huyện tại các địa phương có trở ngại khó khăn trong việc tổ chức và tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi đi lại thuận tiện nhất. Đồng thời hãy để các trường đại học tự tuyển sinh theo điều kiện của trường mình.
Ảnh minh họa |
Nên tách 2 kỳ thi vì hai mục đích riêng rẽ
TS. Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nên tách thi tốt nghiệp THPT và tuyển đại học ra vì 2 mục đích riêng rẽ khác nhau. Như với Đại học Quốc gia Hà Nội, các em muốn thi vào phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực của trường, và để đỗ vào trường các em buộc phải đã tốt nghiệp THPT, như vậy các em vẫn buộc phải thi 2 lần.
Thậm chí, GS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh còn đưa ra quan điểm nên quay trở lại 2 kỳ thi như trước đây. Kỳ thi tốt nghiệp giao cho Sở GD&ĐT tổ chức, còn việc xét tuyển đại học giao quyền tự chủ cho các trường đại học tự tổ chức thi tuyển. Các trường đại học có thể tổ chức thi như kiểu thi vừa qua của Đại học Quốc gia Hà Nội hay có thể thêm xét học bạ, kiểm tra năng lực…, làm như thế nào là tùy các trường.
TS. Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cũng cho rằng, kỳ thi THPT vừa qua, xét trên phương diện chính trị - xã hội đã có một số thành công, tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật vẫn còn nhiều điểm bất cập. Việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một là một sai lầm, khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên” nhau.
Theo phân tích của TS. Võ Thế Quân, các Sở GD&ĐT là cơ quan phụ trách về giáo dục phổ thông thì lại không được giao quyền tổ chức thi. Trong khi đó, các trường đại học đáng lẽ chỉ xét tuyển đầu vào cho trường đại học và tập trung đào tạo kiến thức ngành, nghề thì lại phải đi gánh công việc này của các Sở.
Vì vậy, TS. Võ Thế Quân đề nghị, tách 2 kỳ thi độc lập, thi tốt nghiệp THPT do Sở chịu trách nhiệm tổ chức. Trước mắt Bộ ra đề cho kỳ thi này, còn sau năm 2020 có thể để cho các Sở ra đề. Việc này giúp Bộ cũng đỡ căng thẳng. Còn lại trả việc tuyển sinh đại học cho các trường đại học. Bộ sẽ quản lý chỉ tiêu tuyển sinh. Về lâu dài Bộ cũng không cần quản lý chỉ tiêu tuyển sinh nữa.
Tại hội nghị trên, nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng cần để các Sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp PTTH. Ngay sau khi thi thi tốt nghiệp thì để các trường đại học tuyển sinh ngay và có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm. Việc xét tuyển đại học để cho các trường tự chủ. Đầu vào đại học không cần siết quá chặt mà quan trọng là quá trình đào tạo như thế nào và “siết đầu ra”.
Thùy Minh
Ý kiến bạn đọc