Nên mua tivi tích hợp đầu thu DVB-T2 từ 1/4/2014

08:09, 14/03/2014
|

(VnMedia) - Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, để đảm bảo quyền lợi trong việc chuyển đổi công nghệ số, từ ngày 1/4 tới, khi mua mới tivi, người dân nên mua thiết bị tivi có tích hợp cùng đầu thu DVB-T2.

 

Trong buổi họp báo về kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2013-2015, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/4/2014, tất cả tivi từ 32-inch trở lên khi nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam đều phải tích hợp tính năng thu truyền hình số.

 

Và cho tới thời điểm này trên thị trường Việt Nam đã có 14 chủng loại tivi tích hợp tính năng thu truyền hình số DVB-T2 theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành. Sau ngày 1/4/2014, sẽ có thêm khoảng 84 loại thiết bị tích hợp tính năng thu truyền hình số chuẩn DVB-T2.

 

Cũng theo Thứ trưởng, tivi tích hợp tính năng thu truyền hình số không phải chứng nhận hợp quy, mà các doanh nghiệp tự công bố hợp quy theo quy chuẩn DVB-T2. Doanh nghiệp có thể sử dụng các phòng đo kiểm đã được Bộ chỉ định hoặc đã được Bộ chấp nhận trong thỏa thuận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
 

 Ảnh minh họa
(minh họa)


Thông tin thêm về kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2013-2015, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay, mục đích của kế hoạch nhằm thực hiện truyền thông có hiệu quả chính sách của Nhà nước về số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hoạt động chuyển đổi công nghệ số, tạo sự quan tâm của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và sự tham gia của người dân.

 

Theo kế hoạch được đề ra, sau một số nhiệm vụ đã được hoàn thành ngay trong năm 2013 (tuyển chọn biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam, hoàn thành 2 đợt tập huấn cho đối tượng lãnh đạo, quản lý các cấp tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương), trong năm 2014 phạm vi tuyên truyền sẽ tập trung vào 5 thành phố thuộc Trung ương nhóm 1 (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và sang năm 2015 sẽ mở rộng ra 26 tỉnh thành ở nhóm 2 của Đề án số hóa.

 

Nội dung tuyên truyền cần nêu bật được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi thực hiện thành công chuyển đổi công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số; phổ biến thông tin cần thiết về thời gian, thời điểm chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự trên từng địa bàn, hướng dẫn người dân phương thức thu, xem truyền hình số và các phương thức khác như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh.

 

Cùng đó, cần phổ biến rộng rãi các chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai lộ trình chuyển đổi số hóa tại từng địa phương, địa bàn; thông tin, tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.

 

Kế hoạch cũng chỉ rõ, các loại hình, thể loại báo chí như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình cần phát huy ưu thế đặc thù để đạt chất lượng, kịp thời, chính xác và đạt hiệu quả cao nhất trong công tác tuyên truyền.

 

Ngoài ra cần tổ chức tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở, truyền thành xã, phường, tuyên truyền lưu động, bảng quảng cáo ngoài trời, qua tin nhắn mạng viễn thông di động; thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ gồm tổng đài 1900XXXX, trang thông tin điện tử về số hóa truyền hình.

 

Hộ nghèo, chính sách được hỗ trợ khi số hóa truyền hình

 

Cũng theo thông tin được công bố tại buổi họp báo, Nhà nước sẽ trích khoảng 1710 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có tivi sở hữu thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set top box) khi chuyển sang số hóa, các máy thu hình tương tự sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số theo tiêu chuẩn DVB-T2.

 

Để thực hiện hỗ trợ, Nhà nước sẽ lập đề án điều tra phương thức thu xem của các hộ dân và đối tượng hỗ trợ. Có thể ngay đầu năm 2015 sẽ phối hợp cùng các địa phương, Bộ ngành tiến hành triển khai trên diện rộng nhằm xác định tỷ lệ, phương thức thu xem truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp… để có chính sách phù hợp hơn trong việc phối hợp các hạ tầng để số hóa, đồng thời cũng xác định cụ thể tại mỗi địa phương có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã có tivi, hoặc tivi đã sở hữu có thu được truyền hình số hay không.

 

Tuy nhiên, việc hỗ trợ không phải được thực hiện ngay lập tức trên cả nước, mà theo địa bàn theo đúng như kế hoạch số hóa truyền hình đề ra. Những gia đình nghèo, cận nghèo đã sở hữu tivi mới thuộc diện được nhận hỗ trợ.  


 Chính thức công bố biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam .

Cũng tại buổi họp báo ngày 13/3, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chính thức công bố biểu trưng số hóa truyền hình để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án số hóatruyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

 

Bản quyền biểu trưng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng miễn phí tronghoạt động thông tin, tuyên truyền trên các ấn phẩm, thiết bị, sản phẩm phục vụ cho kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tại Việt Nam.


Đức Anh

Ý kiến bạn đọc