(VnMedia) - Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam Vũ Mạnh Chu, chỉ có thể nỗ lực làm tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm giảm xuống dần, chứ khó có thể xử lý triệt để được trong một sớm một chiều.
Phát biểu tại buổi khởi động chiến dịch tuyên truyền vận động doanh nghiệp kinh doanh tôn trọng bản quyền phần mềm vừa diễn ra sáng nay, 10/5, ông Vũ Mạnh Chu cho hay, chúng ta đã có hệ thống pháp luật tốt và bước tiến mới trong việc thực thi, các doanh nghiệp kinh doanh, thiết kế, sản xuất phần mềm đã có ý thức bảo vệ tài sản của mình, nhưng tình trạng xâm hại bản quyền phần mềm vẫn diễn ra tương đối thường xuyên.
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai rất nhiều việc, bằng những biện pháp, giải pháp phù hợp trong việc chống xâm phạm bản quyền, đến trực tiếp thanh, kiểm tra những doanh nghiệp, đơn vị sử dụng phần mềm. Tới nay, vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm của Việt
Chính vì vậy, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Liên minh phần mềm Doanh nghiệp BSA đã phát động chiến dịch tuyên truyền, vận động doanh nghiệp kinh doanh phần mềm tôn trọng bản quyền phần mềm năm 2011.
Mục tiêu của chiến dịch là đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền phần mềm tại nhóm máy tính cá nhân thông qua việc tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh máy tính và phần mềm về sự cần thiết phải tôn trọng bản quyền, cũng như các hậu quả mà hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm có thể gây ra.
Chiến dịch này sẽ được tiến hành trước tiên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hướng tới người sử dụng cuối. Việc này được thông qua tuyên truyền, vận động những công ty kinh doanh phần mềm không bán và cài đặt phần mềm không có bản quyền khi bán cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, việc cài đặt sẵn các phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới để bán cho khách hàng là một hành vi khuyến khích người mua máy tính mới sử dụng phần mềm lậu. Vô hình chung việc này làm cho nhiều khách hàng không biết là họ đã mua phải máy tính đã có cài đặt sẵn phần mềm vi phạm bản quyền.
Các chuyên gia cho rằng, người cung cấp máy tính đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đẩy lùi vi phạm bản quyền phần mềm. Nếu các nhà cung cấp nghiêm túc chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ, không cài sẵn hoặc hỗ trợ cài đặt các phần mềm không bản quyền vào máy tính khi bán cho người dùng thì dần dần, người dùng sẽ thay đổi được nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm không có bản quyền.
Được biết, hôm 6/5 vừa rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng Đề án chung về tăng cường tăng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo từng lĩnh vực chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tình trạng vi phạm bản quyền hiện diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, kỹ thuật số… Do vậy, việc xây dựng Đề án chung về tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo từng lĩnh vực chuyên ngành là rất cần thiết.
Ý kiến bạn đọc