(VnMedia) - “Chàng Trương Chi Tùng Dương ngày nay đã hát hay lại còn đẹp nữa. Nếu tôi là con gái, Trương Chi Tùng Dương có nhảy xuống sông trốn chạy thì tôi cũng sẽ nhảy theo” - Đó là câu nói vui của nhạc sỹ Phó Đức Phương trong đêm nhạc Tình yêu Hà Nội.
>> Mỹ Linh sẽ đắm say Tình yêu Hà Nội
>> Tùng Dương "yêu" trọn vẹn Hà Trần, Thanh Lam
>> Nhật Thủy đọ giọng với Đinh Mạnh Ninh
|
Tình yêu Hà Nội là đêm nhạc tôn vinh 3 nhạc sỹ Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trương Ngọc Ninh. Đây là các nhạc sỹ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Đây cũng là 3 nhạc sỹ rất nổi tiếng với nhiều ca khúc trở thành “hit” không chỉ riêng ca sỹ mà công chúng cũng thuộc nằm lòng.
Có thể nói, nếu Nguyễn Cường - chàng trai Hà Nội nhưng mê mẩn vùng đất cao nguyên và đã có hàng chục bài hát nổi tiếng viết về vùng Tây Nguyên đại ngàn, thì Phó Đức Phương lại biết đến như một nhạc sỹ đắm đuối với mảnh đất đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều bài hát về sông, hồ; Còn nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh lại nổi danh với Hạt mưa mùa xuân, Biển khát, Tháng Mười Hà Nội… những ca khúc nhẹ nhàng bay bổng với góc nhìn tinh tế, sâu lắng.
Tuy nhiên, cả 3 nhạc sỹ này đều có một tình yêu chung thủy và đậm sâu với mảnh đất Tràng An, và họ có rất nhiều những sáng tác về Hà Nội. Vì thế, đên nhạc Tình yêu Hà Nội không phải để “liệt kê” khối gia sản khổng lồ của các nhạc sỹ, mà chỉ giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu và chùm ca khúc viết về Hà Nội. Chương trình do Hội nhạc sỹ Hà Nội tổ chức và Công ty Mỹ Thanh (cha đẻ của chuỗi chương trình In the potlight) thực hiện.
|
Rất nhiều khán giả trước khi đến với chương trình này đều có tâm trạng sẽ được xem một đêm nhạc “mậu dịch” với những gì cũ kỹ và cách làm theo tuy duy cố hữu của nhiều đơn vị Nhà nước từ trước đến nay. Nhưng khán giả đã thực sự bất ngờ bởi một không gian sân khấu được thiết kế hoành tráng, sang trọng nhưng gần gũi và thân thiện. Màn hình LED với những hình ảnh minh họa cho các ca khúc rất hợp lý, đẹp về thẩm mỹ. Ánh sáng xử lý rất ấn tượng tạo thêm cảm xúc cho khán giả. Ban nhạc Anh Em chơi luôn luôn hay và “sung”, những bản phối cực kỳ hiện đại, đậm hơi thở đời sống đương đại nhưng vẫn giữ được đúng tinh thần của các ca khúc dù có những bài viết cách đây gần 50 năm.
Mỹ Linh và Tùng Dương vẫn xứng đáng là 2 ngôi sao sáng của đêm nhạc. Thể hiện ca khúc “tủ” Hạt mưa mùa xuân, Biển khát của bố chồng, diva Mỹ Linh vẫn giữ được ngọn lửa hừng hực nhưng lại rất nồng nàn tinh tế. Với Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), Mỹ Linh lại thổi hồn với cách xử lý tương đối khác với phiên bản cô hát năm 1999, nghe thấy hiện đại hơn dù vẫn ma mị và lôi cuốn.
Tùng Dương hát hay tất cả các ca khúc của 3 nhạc sỹ. Với Khúc hát phiêu ly, Tùng Dương được nhạc sỹ Phó Đức Phương ví như chàng Trương Chi thời hiện đại, chỉ khác là Trương Chi thời nay đẹp trai hơn Trương Chi thời trước. Với Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Tổ quốc ta cờ bay (Nguyễn Cường), Xuống chợ (Trương Ngọc Ninh) Tùng Dương cho thấy sự biến ảo qua từng ca khúc, anh cũng chính là ca sỹ được cả 3 nhạc sỹ đồng loạt lên tặng hoa như một sự tri ân cũng như ghi nhận tài năng của Tùng Dương.
Bất ngờ nhất phải kể đến nhóm M4U với ca khúc Nao nao Thác Bà (Phó Đức Phương). Sự “nhập cuộc” quá tốt của cả 3 ca sỹ ngay lập tức đốt cháy khán phòng bằng những đoạn vocal, hòa bè nhuần nhuyễn và đầu sự “phiêu linh”. Cách hát trẻ trung, văn minh, sự biến hóa linh hoạt thay đổi liên tục giữa 3 ca sỹ nhưng vẫn giữ được cái trục chính của bài hát khiến họ giống như những nghệ sỹ xiếc nhưng vô cùng điêu luyện. Giọng nam cao của Hồng Dương thực sự có “đất” để thỏa sức tung tẩy trên nền nhạc. Đinh Mạnh Ninh, Minh Vương cũng tha hồ “phiêu” mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả.
|
Minh Thu cũng là một điểm nhấn thú vị của đêm nhạc. Giọng hát dày và rất lửa, cô ca sỹ của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long đã có một bước tiến dài trong sự nghiệp. Giọng hát ngày càng hoàn thiện, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và đặc biệt là sự trẻ trung và cập nhật khi xử lý tác phẩm khiến cô dù hát những ca khúc đã từng gắn với tên tuổi các ngôi sao nhưng đã tách bạch được ra khỏi những cái bóng ấy và tạo nên màu sắc của riêng mình. Không thể và có thể, Bài ca thần chim lạc (Phó Đức Phương) đã làm nên một Minh Thu đầy nội lực, sắc sảo, cá tính nhưng vẫn rất nồng nàn, rất “đàn bà”.
Minh Quân cũng đã có công làm mới lại ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Nguyễn Cường - Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội. Với một bản phối mới mẻ và đầy ma lực, Minh Quân đã thăng hoa và ngập tràn cảm xúc khi đồng cảm với tác giả, bởi anh cũng chính là một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vì thế anh có nhiều kỷ niểm tuổi thơ với mảnh đất này. Do đó, mỗi câu hát được ví như một câu chuyện mà anh kể rất chân thành, gần gũi với khán giả.
Nhật Thủy – Quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam cũng có những bước tiến ngoạn mục. Thoát khỏi danh xưng “thí sinh” trong cuộc thi hát, Nhật Thủy trở thành một ca sỹ trẻ với sự tiến bộ từng ngày cả về kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý tác phẩm và cách tiếp cận bài hát. Với ca khúc Lời ru một mình (Trương Ngọc Ninh), Nhật Thủy đã cho thấy sự biến chuyển và tiến bộ của mình bởi cách xử lý tinh tế và khá cảm xúc.
|
Bên cạnh đó những ca sỹ như Vũ Thắng Lợi, Đào Mác, Mạc Thủy cũng đã có những phần trình diễn thành công. Hàng loạt những ca khúc mới của nhạc sỹ Nguyễn Cường như Hoa loa kèn đã nở rồi, Gặp gió sông Hồng đều được chuyển tải một cách chân thực mang đến cho người xem những xúc cảm đặc biệt.
Đêm nhạc Tình yêu Hà Nội khép lại bằng Bài ca thần chim lạc qua tiếng hát Minh Thu với sự khát khao được hòa mình vào Tổ quốc để bay lên sánh vai với bạn bè năm châu, đó không chỉ là ước vọng của nhạc sỹ Phó Đức Phương mà của cả dân tộc. Với thông điệp bay lên, âm nhạc của Nguyễn Đức Cường, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh đã thực sự khiến cảm xúc của khán giả được thăng hoa. Một đêm nhạc thực sự hoàn hảo, trọn vẹn từ hình ảnh, âm nhạc đến cảm xúc của khán giả, xứng đáng là món quà quý giá không chỉ cho công chúng Thủ đô, mà còn cho chính 3 nhạc sỹ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam suốt 50 năm qua.
|
Ý kiến bạn đọc