(VnMedia) - Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ míttinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh lao với chủ đề "Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao" tại Hà Nội ngày 24/3.
Ảnh minh họa.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chống lao, đặc biệt trong việc ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc.
Theo đó, để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của bệnh lao, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động chống bệnh lao, tuyên truyền cho mọi người biết về sự nguy hại của bệnh lao để có ý thức phòng chống.
Ngoài sự cố gắng của các cán bộ mạng lưới Chương trình chống lao cần có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành, các nhà lãnh đạo, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế... trên tất cả các lĩnh vực phòng chống bệnh lao.
Người mắc bệnh lao cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa; hiểu biết của mỗi người về bệnh lao trong cộng đồng cần được nâng cao để góp phần xóa bỏ mặc cảm và kỳ thị xã hội đối với bệnh lao.
Tại Hà Nội, theo số liệu của Chương trình chống lao thành phố, những năm gần đây, mỗi năm thành phố phát hiện và thu nhận khoảng hơn 5.000 bệnh nhân lao mọi thể; trong đó có khoảng 2.500 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới.
Sự phối hợp y tế công-tư trong công tác phòng chống lao được nhân rộng trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực trong việc phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao.
Báo động tình trạng trẻ em nhiễm lao không được phát hiện
Đây là kết quả nghiên cứu được một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Y tế công cộng Harvard, Mỹ công bố nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh lao 24/3, cung cấp dữ liệu đầu tiên về bệnh lao kháng thuốc ở trẻ em.
Theo báo cáo này, trên thực tế, nhiều trường hợp mắc bệnh lao và lao kháng thuốc (MDR-TB) ở trẻ em đã không được phát hiện. Dựa vào số liệu dân số và các nghiên cứu trước đây, nhóm chuyên gia đã sử dụng mô hình máy tính để đưa ra những phân tích về bệnh lao và lao kháng thuốc. Kết quả cho thấy trong năm 2010, có 999.800 trẻ dưới 15 tuổi nhiễm lao, trong đó 40% trường hợp ở Đông Nam Á và 28% ở châu Phi.
Cũng theo nghiên cứu, năm 2010, có gần 32.000 trẻ em mắc lao kháng thuốc (MDR-TB), đồng nghĩa với chiều hướng không tiếp nhận các loại thuốc chống lao (isoniazid và rifampin) tiên tiến nhất, gây khó khăn và tốn kém hơn trong điều trị.
Theo số liệu của WHO, khoảng 450.000 người mắc MDR-TB năm 2012 và 170.000 người tử vong do bệnh này. Có chưa đầy 20% bệnh nhân MDR nhận được phương pháp điều trị thích hợp, và điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ngoài ra, gần 10% trường hợp mắc MDR được cho là thuộc dạng lao siêu kháng thuốc (XDR)với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Ý kiến bạn đọc