Ráo riết ngăn chặn dịch cúm H7N9

06:51, 10/04/2013
|

(VnMedia) - Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 24 người nhiễm và 7 người tử vong do cúm A/H7N9. Dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9, nhưng các bệnh viện, Trung tâm Y tế Dự phòng Việt Nam đang tích cực chủ động phòng chống dịch cúm, sẵn sàng tác chiến khi có dịch.

Cúm A/H7N9 có thể xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 9/4, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc đã có 24 người nhiễm và 7 người tử vong do cúm A/H7N9. Tuy mức độ tăng không nhiều nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Với diễn biến dịch bệnh trên thì khả năng cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.

Nguyên nhân là do Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền và hệ thống cảng biển, cảng hàng không giáp với Trung Quốc. Đặc biệt, cúm A/H7N9 cũng có khả năng lây sang Việt Nam qua các loại động vật hoang dã như chim. Hiện những nghiên cứu đã phát hiện thấy virus trên có trong chim bồ câu. Do đó tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Trong ngày 9/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh (HCM) và công tác sẵn sàng điều trị cúm A/H7N9 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Sẽ có phác đồ điều trị cúm H7N9

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị trong thời gian sắp tới cần có sự phối hợp trong phòng ngừa, điều trị và truyền thông. Bộ Y tế sẽ ra văn bản về phác đồ điều trị hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, nguồn gốc không rõ ràng được vận chuyển sang Việt Nam.

Dự kiến, ngày 10/4, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9. Ngày 12/4, Bộ Y tế sẽ tập huấn phác đồ điều trị, giám sát lấy mẫu bệnh phẩm cúm A/H7N9 cho 600 bác sỹ điều trị và cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phía Bắc.

Tại cuộc họp hội đồng xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị và phòng lây bệnh cúm A (H7N9) do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/4, các chuyên gia y tế nhận định: Sốt, ho, viêm phổi, khó thở diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao... là những biểu hiện điển hình của bệnh cúm A/H7N9.

Ca bệnh nghi nhiễm cúm A/H7N9 được chẩn đoán dựa trên các yếu tố như: Có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng 2 tuần; Tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm A/H7N9; Tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín...); Tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A/H7N9. Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, gồm sốt, ho, khó thở...

Các cơ sở điều trị cần phải phân biệt trường hợp nghi nhiễm cúm A/H7N9 với các trường hợp cúm A/H1N1 hoặc cúm A/H5N1..., viêm phổi do các vi rút khác, bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do vi khuẩn. Thuốc được sử dụng trong điều trị cúm A/H7N9 là thuốc kháng vi rút đã được sử dụng trong điều trị cúm A/H1N1 đại dịch và cúm A/H5N1 là Oseltamivir và Zanamivir.  


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc