(VnMedia) - Chính tôi cũng không tin ở tuổi tri thiên mệnh + 5, mình lại trở thành cua-rơ của một đội đua xe đạp ban đêm. Song, nếu bạn biết xe đạp là THẦN DƯỢC, là một phương thuốc NGON – BỔ - RẺ thì sẽ chẳng hề ngạc nhiên…
Trong câu chuyện hoài niệm về một thời, tôi kể với người bạn thân rằng hồi con gái tôi rất thích đi xe đua vì nó mạnh mẽ, nam tính. Nhưng xe đua cũng khiến tôi đặc biệt nữ tính khi được người yêu để ngồi trên khung rồi chầm chậm đạp quanh Hồ Tây, đường Cổ Ngư, Nguyễn Du… Không ngờ sự hoài niệm của tôi khiến bạn lưu tâm. Sinh nhật lần thứ 55, bạn tặng tôi chiếc xe đẹp hơn cả mơ ước. Đó là xe đua chuyên nghiệp, sản xuất tại Ý, 2 đĩa, 8 líp, nặng 6kg, màu sắc nhã nhặn, thời trang nhưng rất ngầu. Tôi sung sướng, cảm động vô cùng nhưng những người bạn khác lại cười cười: “Không hiểu một phụ nữ U60 sẽ làm gì với chiếc xe đạp đua?”
Tôi sẽ làm gì với chiếc xe đua? Chắc chắn không buộc dây thừng treo lên xà nhà như thời bao cấp để ngắm nhưng cũng không thể đi đua, tôi nghĩ thỉnh thoảng sẽ đạp vài vòng quanh một cái hồ nào đó cho oách. Song, việc trước tiên tôi muốn khi nhận món quà sinh nhật là chụp một bộ ảnh thật ngầu. Nghĩ sao làm vậy, tôi diện sooc trắng, giày trắng, áo đen, mũ rằn ri và thong thả đạp xe ra hồ Thành Công chụp ảnh. Chiếc xe đua đã thu hút sự chú ý của người đi bộ, ai nấy trầm trồ, mê mẩn, có người còn xin đi thử. Một vị đang tập thể dục từ xa chạy đến hỏi tôi:
- Em là dân đua xe đạp chuyên nghiệp à? Ở đội nào vậy?
- Không phải dân đua đâu anh ơi, em chỉ đạp xe để chụp ảnh kỷ niệm thôi.
- Vậy mà cứ tưởng… Này em, tham gia vào đội đua xe đạp quanh Hồ Tây với bọn anh đi.
- Dạ, để em xem lại…- Tôi ngần ngại ậm ừ
- Anh tên Vũ. Em cứ lưu số điện thoại của anh khi nào có ý định tham gia đua xe thì gọi nhé!
Vũ nhiệt tình quá khiến tôi không thể chối từ thẳng thừng. Dù lưu số điện thoại của anh nhưng tôi nghĩ sẽ chẳng có cuộc gọi nào cả, sức đâu mà đua xe ở tuổi này (?) Song, vốn tính hiếu kỳ nên chụp ảnh xong tôi đã nghĩ lại và bấm máy gọi Vũ. Anh hồ hởi rủ tôi tham gia cuộc đua ngay tối hôm đó. Sau khi được mấy “vệ sĩ” xung phong phóng xe máy theo hộ tống, tôi đã nhận lời. Đúng 21h30’ hôm ấy, tôi gặp Vũ và cùng đi đến điểm hẹn đua xe. Mấy chục năm không đạp xe, xe đua lại cao và không dễ đi khiến tôi lập cập. Biết ý, Vũ vừa che chắn phía ngoài vừa đi chậm để đợi cho đến lúc tôi quen dần.
Đến Hồ Tây, Vũ đưa tôi vào quán cà phê Love one (địa điểm tập trung của đội trước khi đua). Trong quán có một người đàn ông to cao, chắc nịch đang ngồi lướt web, Vũ gọi anh ta và giới thiệu đó là Đồng – Đội phó Đội đua xe đạp đêm. Tôi bắt đầu ngay cuộc phỏng vấn. Cũng chẳng hỏi gì ngoài những câu quen thuộc như: Ý tưởng thành lập đội đua xe là của ai? Thành lập từ khi nào? Tổng số người tham gia? Đua xe nhằm mục đích gì?...Nhìn thì dữ tướng nhưng giọng Đồng lại hiền lành, anh cho biết: các anh không phải là cua-rơ chuyên nghiệp. Cách đây hai năm, một nhóm người mắc các chứng bệnh máu nhiễm mỡ, đái tháo đường, gout, thoái hóa xương khớp…nhận thấy cần phải vận động để cải thiện sức khỏe và chọn xe đạp làm môn thể thao chính. Mới đầu đội chỉ có 4 người, sau tăng dần và hiện tại gồm 12 cua-rơ (10 nam, 2 nữ) do Đinh Xuân Hội làm Đội trưởng và Đinh Đại Đồng làm Đội phó.
Trong hai năm qua, dù nóng bức hay rét mướt, tối nào cả đội cũng đua một vòng quanh Hồ Tây với tổng chiều dài 18km. Nhờ kiên trì luyện tập, sức khỏe của các cua-rơ khá lên trông thấy, có người còn khỏi hẳn một số bệnh. Đồng bảo hai năm trước anh nặng 90kg, đi đứng, cử động chậm chạp, cuốc bộ 500m đã thở không ra hơi, mồ hôi túa đầm đìa, tim dường như thắt lại… Lúc nào Đồng cũng mặc cảm với thân hình quá khổ, nhiều mỡ của mình nên hạn chế giao tiếp với mọi người. Hiện tại Đồng còn 79kg, cơ bắp săn chắc, đạp xe từ Hà Nội đến tận Sóc Sơn, Hòa Bình vẫn không vấn đề gì. Điều quan trọng là các chứng bệnh trong người Đồng tiêu tan, anh lấy lại được sự tự tin, trở nên hoạt bát, vui vẻ.
Còn Cúc, người phụ nữ quanh năm suốt tháng ốm đau, bị thoái hóa hai đốt sống cổ, ít ăn, khó ngủ, trọng lượng không bao giờ vượt quá 41kg. Chứng mất ngủ khiến Cúc suy nhược trầm trọng. Hết bệnh viện tây y rồi lại đông y, chị vẫn không có nổi một giấc ngủ sâu. Đêm đối với Cúc dài khủng khiếp. Triền miên từ đêm này qua đêm khác, chị uống thuốc rồi mỏi miệng đếm sao, đếm cừu nhưng mắt cứ chong chong vì giấc ngủ không chịu đến. Từ ngày tham gia đua đạp xe đêm, chị ngủ tốt, ăn ngon miệng, không còn đau cổ và đã tăng được 47kg. Thấy tôi cười cười, Cúc bảo: “Chị thử đua cùng chúng em một lần sẽ thấy điều em nói là sự thật. Đi xe đạp hay lắm chị ạ, người đẹp càng đẹp hơn, người béo thì gầy, người gầy thì béo và tất cả đều khỏe mạnh sau một thời gian đạp xe...”
Cúc còn cho biết Đồng chưa phải người có trọng lượng nặng nhất và mắc nhiều bệnh nhất đội. Tác dụng giảm béo, chữa bệnh nhanh kỷ lục nhờ đạp xe thuộc về Đỗ Như Sơn (chủ tiệm cơm Mai Vân – 71 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội). Hai năm trước Sơn nặng gần 100 kg, trong người anh “hội tụ” tất cả chứng bệnh của nhà giàu…
“Xe đạp là món ăn, là phương thuốc ngon, bổ, rẻ. Ha ha ha…”. Giọng nói choang choang bất chợt vang lên làm gián đoạn câu chuyện của tôi và Cúc. Nhìn ra cửa, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, chắc nịch vừa cười vừa loay hoay tìm chỗ dựng chiếc xe đạp địa hình gồ ghề như xe trâu. Cúc nheo mắt trêu: “Anh thật thiêng, đốt hương muỗi mà cũng lên. Vừa nhắc tới anh là anh xuất hiện liền”. Quay sang tôi, chị giới thiệu đó chính là Sơn, đứng hạng nhất của đội cả về trọng lượng lẫn bệnh tật. Tôi trố mắt nhìn Sơn, anh cao khoảng 1m73, thân hình rắn chắc, cười nói sang sảng, người như vậy mà bệnh gì? Còn Sơn không cần biết tôi là ai, anh hồ hởi bắt chuyện rất tự nhiên.
Sau điệp khúc: “Xe đạp là món ăn, là phương thuốc ngon, bổ, rẻ”, anh cho biết anh bị mắc bệnh đái tháo đường type2, ngày nào cũng phải tiêm thuốc. Chưa hết, Sơn còn bị máu nhiễm mỡ và gout cùng một loạt chứng bệnh khác. Có thời kỳ các khớp ngón chân, ngón tay Sơn nổi cục, đau nhức tới mức không thể đi đứng và làm việc được. Anh khổ sở “vái tứ phương” tìm thầy, chạy thuốc. Kết quả: tiền tỷ ra đi, bệnh thì ở lại. Suốt bao năm ròng chạy chữa không khỏi, một số bác sĩ khuyên Sơn chơi thể thao nhưng anh từ chối bởi chỉ ngồi không đã mệt nói gì đến tập luyện. Mọi người khuyến khích mãi Sơn mới chịu mua chiếc xe đạp địa hình và tham gia vào Đội đua xe quanh Hồ Tây.
Ngày đầu tiên đạp xe, cả người anh ê ẩm, đau nhức, không nhấc nổi chân tay. Sơn nản quá tính bỏ cuộc nhưng các cua-rơ trong đội kiên quyết không bỏ anh và giờ thì chắc chắn không ai có thể bắt anh bỏ đua xe hàng đêm. Hai năm trôi qua, nhờ đi xe đạp Sơn hết hẳn máu nhiễm mỡ, bệnh gout không còn làm anh đau nhức và tỷ lệ đường trong máu cao nhất cũng chỉ 6.5. Không ngờ xe đạp thần diệu thế nên bây giờ đi đâu, gặp ai Sơn cũng PR: “Xe đạp là món ngon, bổ, rẻ”. Cái món ngon, bổ, rẻ ấy anh “uống” đều đặn mỗi ngày. Không kể đông hay hè, cứ đúng 21h50’ anh lại giao tiệm cơm cho nhân viên rồi dắt chiếc xe trâu ra nhoay nhoáy đạp lên Hồ Tây tham gia đua cùng đồng đội.
Xe đạp – với những gì các cua-rơ kể thì chả khác nào thần dược. Tôi hỏi Đinh Xuân Hội:
- Đội đua xe tên là gì?
- Chưa có tên chị ạ. Chúng em nghĩ suốt hai năm nay nhưng chưa chọn được cái tên nào phù hợp. Chị giúp chúng em đặt tên cho đội được không?
- Mình lính mới đâu dám! – Tôi cười cười – Thôi thế này, trước khi đua xe các cua-rơ của đội đều phải tốn khá nhiều tiền thuốc mà bệnh vẫn không khỏi. Chỉ hai năm đạp xe, bách bệnh tiêu tan, vậy thì cứ gọi là ĐỘI ĐUA XE THẦN DƯỢC.
Cái tên bất chợt đến trong đầu tôi được các mọi người vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Cũng lúc đó các cua-rơ đã tập hợp đông đủ, Đội trưởng Đinh Xuân Hội ra lệnh xuất phát. Một vòng quanh Hồ Tây 18km, cả đội đi hết 40 phút. Sau mấy chục năm không đạp xe, vậy mà tôi chẳng chịu thua bất cứ cua-rơ nào, luôn ở tốp đầu và trong nhóm cán đích trước tiên…
Đêm đầu tiên tham gia đua xe, tôi đã có một giấc ngủ thật dài, thật sâu mà tôi hằng ao ước. 8h00’ sáng hôm sau tỉnh dậy, người hơi ê ẩm một chút nhưng vô cùng khoan khoái. Tôi quyết định làm cua-rơ bán chuyên nghiệp kể từ hôm đó.
Xe đạp là thần dược thật đấy. Không tin các bạn cứ thử đi, hiệu quả sẽ đến ngay tức thì.
Ý kiến bạn đọc