(VnMedia) - " Quá trình thử nghiệm cấp chính phủ đối với loại tên lửa mới của hệ thống tên lửa Iskander chiến thuật của Nga sẽ được hoàn tất trước cuối năm nay, và Nga sẽ phát triển phiên bản nâng cấp mới trên nền tảng hệ thống tên lửa Oka, hệ thống tên lửa từng khiến Mỹ và phương Tây "hoảng sợ"" là những thông tin mới nhất về ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Theo đó, hôm qua (10/6) hãng tin Itar-Tass dẫn lời ong Valery Kashin - trưởng nhóm thiết kế loại tên lửa mới được triển khai trên hệ thống Iskander cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ vượt qua được cuộc thử nghiệm lấy chứng nhận cấp chính phủ trước năm 2015. Tuy nhiên, như các bạn biết, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra”.
Tuy nhiên, ông Kashin không tiết lộ về thông số kỹ thuật cụ thể của loại tên lửa này.
Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tân tiến của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn, được bắt đầu trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006.
Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander-M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander-E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander-K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Iskander-M được trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Iskander-M có chiều dài 7,3 m, đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km.
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh). Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.
Nga phát triển phiên bản nâng cấp hệ thống tên lửa Oka
Trong một diễn biến khác, cũng trong hôm qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nga – ông Yuri Borisov vừa cho biết, nước này sẽ phát triển phiên bản mới của tên lửa đạn đạo Oka (NATO gọi là SS-23 Spider).
Đây từng là loại vũ khí khiến Mỹ, phương Tây hết sức lo sợ khi nó được trang bị năm 1983.
"Không cần thiết khôi phục hệ thống cũ. Chúng tôi đang phát triển tổ hợp mới", Borisov nói, đồng thời thêm rằng hệ thống tên lửa mới sẽ được phát triển dựa trên nền tảng của tên lửa Oka.
"Nga sẽ phát triển phiên bản nâng cấp từ hệ thống tên lửa đạn đạo Oka (NATO định danh là SS-23 Spider) đã bị loại bỏ dựa theo Hiệp ước INF", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết hôm 10/6.
Theo ông, công nghệ ngày nay cho phép cải nâng cao tầm bắn, độ chính xác và các tính năng của hệ thống.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-23 Oka bắt đầu phục vụ trong lực lượng tên lửa chiến lược Hồng quân Liên Xô từ năm 1983.
Tên lửa đạn đạo Oka đạt tầm bắn 400km. Mặc dù tầm bắn của tên lửa này không được quy định trong Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) nhưng nó vẫn bị loại bỏ khỏi kho vũ khí của Nga.
Theo Hiệp ước INF được ký giữa Liên Xô và Mỹ, tất cả các tên lửa đạn đạo trên mặt đất có tầm bắn ngắn từ 500-1.000km và tầm trung từ 1.000-5.000km đều phải bị loại bỏ khỏi kho vũ khí của hai nước. Việc xử lý theo INF được hoàn thành vào năm 1991, giai đoạn kiểm tra hoàn thành năm 2001.
Liên Xô đã loại bỏ hơn 200 quả tên lửa đạn đạo Oka và 102 bệ phóng.
Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Quân đội Mỹ thời kỳ đó hoàn toàn không hiệu quả trước Oka.
Ý kiến bạn đọc