Bị G7 răn đe, Trung Quốc tức tím mặt

08:49, 10/06/2015
|

(VnMedia) - Lãnh đạo của 7 cường quốc hàng đầu thế giới mới đây đã không ngần ngại lên tiếng răn đe những hành động dọa dẫm và tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Điều này đã khiến Trung Quốc tức tím mặt, lên tiếng đáp trả một cách đầy giận dữ.
 

Ảnh minh họa

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi


Lãnh đạo của nhóm nước G7 hôm 8/6 đã bày tỏ, họ rất quan ngại trước những căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vì thế họ kêu gọi các nước hãy tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế.
 
"Chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như tầm quan trọng của việc được tự do sử dụng các vùng biển của thế giới một cách hợp pháp mà không bị cản trở”, lãnh đạo các nước G7 cho biết trong một thông cáo.
 
"Chúng tôi kịch liệt lên án hành động sử dụng sự dọa dẫm, ép buộc hay vũ lực cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông, như hoạt động bồi đắp ở quy mô lớn”, các nhà lãnh đạo G7 gay gắt cho biết nhưng không chỉ đích danh tên nước nào.
 
Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể hiểu, thông điệp phản đối đầy mạnh mẽ trên của 7 cường quốc thế giới là nhằm trực tiếp vào Trung Quốc bởi nước này đang gây ra “những con sóng to gió lớn” ở Biển Đông vì những hoạt động cải tạo, xây dựng và bồi đắp trái phép trên quy mô lớn chưa từng có và ở mức độ cấp tập chưa từng có
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
 
Trong một bước leo thang mới đặc biệt nguy hiểm, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép các công trình quy mô lớn trên hàng loạt bãi đá, bãi san hô ở Biển Đông, trong đó có 6 bãi san hô mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông có thể sẽ được sử dụng cho các mục đích quân sự nhằm tranh giành chủ quyền với các nước trong khu vực.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
 
Đây là lần thứ 2 G7 phải lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 4, Ngoại trưởng của 7 cường quốc hàng đầu thế giới cũng từng đưa ra một tuyên bố về an ninh hàng hải trong đó bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có “hoạt động bồi đắp quy mô lớn – một hành động làm thay đổi thế nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng".
 
Giới chức Mỹ, Philippines, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam... cũng liên tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, bồi đắp và cải tạo trái phép ở Biển Đông.
 
Trung Quốc nổi xung với tuyên bố của G7
 
Phản ứng trước những lời chỉ trích, lên án công khai của G7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (9/6) đã giận dữ lên tiếng kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới “ngừng ngay những phát biểu vô trách nhiệm”.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gay gắt lên án Tuyên bố của Lãnh đạo các nước G7 được đưa ra hôm thứ Hai (8/6), miêu tả đó là những phát biểu vô trách nhiệm và mang tính định kiến liên quan đến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
"Điều G7 làm và nói không phù hợp với những thực tế và nguyên tắc được quốc tế coogn nhận”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi đã nói như vậy.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nước này không công nhận “thế nguyên trạng” hiện nay nhưng đã thể hiện sự kiềm chế ở mức tối đa trong khu vực. Ông Hồng Lỗi còn ngang nhiên nói rằng, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông “hoàn toàn nằm trong quyền chủ quyền” và rằng nước này “tôn trọng sự tự do hàng hải” ở Biển Đông.
 
"Trung Quốc kêu gọi các nước G7 tôn trọng sự thực, từ bỏ định kiến và ngừng ngay việc đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm đồng thời giúp giải quyết một cách đúng đắt các cuộc tranh chấp và củng cố hòa bình, sự ổn định trong khu vực”, ông Hồng Lỗi nói thêm.
 
Có thể nói, bất chấp làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế rộng khắp, Trung Quốc vẫn khăng khăng thực hiện những hành động phi pháp, trái phép của mình nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Trước tình thế này, cộng đồng quốc tế đang ngày một đoàn kết hơn trong nỗ lực chặn đứng tham vọng này của Bắc Kinh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc