“Vàng rất quý nhưng chủ quyền Việt Nam quý hơn vàng”

22:34, 23/05/2014
|

(VnMedia) - “Vấn đề chủ quyền hết sức thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam, cho nên, không gì có thể đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam quý hơn vàng”. Đây là câu trả lời của ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, trước đề nghị bình luận về 16 chữ vàng trong quan hệ với Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, tại cuộc họp báo chiều nay (23/5). (Ảnh: TTXVN)


Tại cuộc họp báo chiều nay (23/5) ở thủ đô Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên về đề nghị bình luận 16 chữ vàng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại Philippines rằng: “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để lấy hữu nghị viển vông”, ông Trần Duy Hải cho biết: “Tôi xin khẳng định, vấn đề chủ quyền hết sức thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam, cho nên, không gì có thể đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam quý hơn vàng”.
 
Câu trả lời của ông Trần Duy Hải đã nhận được sự tán thưởng rất lớn của những người tham gia cuộc họp báo chiều nay.
 
Cũng liên quan đến chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam có tận dụng sự ủng hộ của quốc tế để sử dụng biện pháp pháp lý đấu tranh khẳng định chủ quyền của mình hay không, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và cũng là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như trong Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình. Thứ nhất, việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp có bao gồm khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Luật Biển đã đề cập. Thứ hai, việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế, là một biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ ba, chúng tôi cho rằng, sử dụng biện pháp pháp lý tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang. Thứ tư, các bạn cũng thấy, Lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định không loại trừ việc sử dụng bất kỳ biện pháp hoà bình nào để có thể giúp giải quyết tranh chấp. Chúng tôi với tư cách là các cơ quan tư vấn pháp lý của chính phủ, chúng tôi có nhiệm vụ phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi biện pháp có thể sử dụng được để phục vụ cho yêu cầu của chính phủ”.
 
Khi được phóng viên hỏi về việc thời điểm nào là thích hợp để dùng đến biện pháp pháp lý với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: “Với tư cách cá nhân, tôi cũng nhiều lần tự đặt câu hỏi liệu lúc nào là thích hợp để đưa ra biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, quyết định là của chính phủ và chính phủ không thể chỉ quyết định trên cơ sở khuyến nghị của một luật gia. Chính phủ sẽ phải quyết định dựa trên khuyến nghị của tất cả các cơ quan có chức năng. Vì thế, chúng ta phải chờ đợi quyết định của chính phủ”.
 
Trước câu hỏi về việc Việt Nam hiện đang kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình nhưng nếu trong thời gian tới Trung Quốc không có động thái thay đổi tích cực gì thì Việt Nam có biện pháp nào mạnh mẽ hơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải cho biết: “Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Philippines, Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của chúng ta bằng mọi biện pháp hòa bình. Tất nhiên là chúng ta không muốn chiến tranh. Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng, nếu mà chúng ta là nạn nhân thì chúng ta phải tự vệ. Chúng ta phải sẵn sàng bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của chúng ta”.
 
Về vấn đề Trung Quốc trong tuyên bố chính thức hiện nay có 3 lần nói khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương 981, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: “Bình luận duy nhất  mà chúng tôi có thể nói được là, chúng tôi từng được nghe rất nhiều lần Trung Quốc giải thích khác nhau về cơ sở pháp lý đối với yêu sách của họ. Chính chúng tôi cũng luôn đề nghị Trung Quốc có giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý đối với yêu sách của họ”.
 
Bổ sung cho phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói thêm: "Dù Trung Quốc có nói khác nhau thế nào, về phía Việt Nam, chúng tôi chỉ có một khẳng định, đó là, vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vi phạm chủ quyền của VN được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc