Nữ cựu Thủ tướng Thái bất ngờ bị quân đội bắt

08:13, 24/05/2014
|

(VnMedia) - Quân đội quyền lực của Thái Lan đã bất ngờ bắt giữ nữ cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra, một số bộ trưởng trong nội các cũ cùng với nhiều thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ và thủ lĩnh phe áo đỏ. Hoạt động bắt giữ này diễn ra ở những địa điểm bí mật trong ngày hôm qua (23/5), các nguồn tin tiết lộ.
 

Ảnh minh họa

Nữ cựu Thủ tướng Yingluck


Sau cuộc đảo chính diễn ra hôm 22/5 dưới bàn tay dàn dựng của Tư lệnh quân đội Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha nhằm lật đổ chính phủ lâm thời, cựu Thủ tướng Yingluck cùng với các chính khách hàng đầu khác của Thái Lan đã bị quân đội triệu tập và thẩm vấn tại các doanh trại và sau đó họ đã bị bắt giữ đến “những ngôi nhà an toàn” bí mật không ai biết, các nguồn tin cho hay.
 
Hiện tại, vị trí của những “ngôi nhà an toàn” trên vẫn là một điều bí ẩn bởi báo chí bị quân đội ngăn cấm không cho đi theo bất kỳ chiếc xe nào rời khỏi địa điểm mà cựu Thủ tướng và các chính khách bị triệu tập đến.
 
Những chính khách cấp cao bị bắt giữ bao gồm cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat và vợ ông – bà Yaowapa Wongsawat – cũng là chị gái của cựu Thủ tướng Yingluck; cựu Phó Thủ tướng Nivatthamrong Boonsongpaisal và cựu Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung.
 
Cựu Thủ tướng Yingluck đã bị quân đội triệu tập đến để thẩm vấn tại một doanh trại quân đội và sau đó bị đưa đến căn cứ của Sư đoàn Bộ binh số 1 ở đối diện bên đường trước khi bà bị đưa đến một nơi không ai biết.
 
Cũng bị bắt giữ đến một nơi bí mật còn có Tổng thư ký Đảng Pheu Thai Pumtham Vejjachai và phát ngôn viên của đảng – ông Prompong Nopparit. Cả hai vị chính khách này đều tham dự cuộc đối thoại diễn ra hôm 22/5 ở một câu lạc bộ của quân đội nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột chính trị kéo dài dai dẳng ở đất nước Thái Lan.
 
Về phía các thành phần biểu tình chống chính phủ, các thủ lĩnh của lực lượng này bị bắt giữ gồm Suthep Thaugsuban, Sombat Thamrongtanyawong và Sathit Wongnongtoey. Trong khi đó, các thủ lĩnh phe áo đỏ bị bắt giữ có ông Chatuporn Prompand, Nattavut Saikua và Verakarn Musikapong. Tất cả những nhân vật cấp cao trên đều tham gia vào cuộc đàm phán không có kết quả do Tư lệnh quân đội Prayuth chủ trì trước đó.
 
Bộ máy cầm quyền sau đảo chính với cái tên chính thức là Hội đồng Gìn giữ Hòa bình Quốc gia đã ra thông báo cho biết, 155 người, trong đó có những chính khách bị bắt giữ, hiện tại bị cấm rời khỏi đất nước và rằng tất cả họ đều đã bị quân đội triệu tập để thẩm vấn.
 
Theo Hội đồng trên, nếu không tuân theo các mệnh lệnh quân sự do quân đội đưa ra, những người trên sẽ phải chịu các hình phạt do tòa án quân sự quyết định.
 
Chỉ có một số nhỏ các chính khách tham dự cuộc đàm phán do quân đội chủ trì là được phóng thích sau khi bị tạm giữ và bị thẩm vấn. Đó là cựu Thủ tướng và cũng là Lãnh đạo Đảng Dân chủ - ông Abhisit Vejjajiva cùng các thành viên cấp cao của đảng ông này và một số các bộ trưởng của chính phủ cũ có liên quan đến đảng Pheu Thai.

Hiện tại, sau cuộc đảo chính hoàn toàn bất ngờ ngày 22/5, Hội đồng Gìn giữ Hòa bình Quốc gia Thái Lan do Tư lệnh quân đội Prayuth lãnh đạo đã phân chia các nhiệm vụ điều hành đất nước trong bộ máy tướng lĩnh quân sự. Cụ thể, Chỉ huy Tối cao – Tướng Thanasak Patimapakorn chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia; Tư lệnh Hải quân – Đô đốc Narong Pipatanasai phụ trách các vấn đề tâm lý-xã hội; Tư lệnh Không quân Prajin Juntong chịu trách nhiệm các vấn đề kinh tế; Phó Tư lệnh quân đội Paibul Kumchaya phụ trách về pháp luật và cảnh sát trưởng quốc gia Adul Saengsingkaew phụ trách các vấn đề đặc biệt. Bản thân ông Prayuth tuyên bố mình là Thủ tướng tạm quyền.
 
Tất cả các cơ quan bộ ngành chính phủ trước thuộc quyền điều hành của các bộ trưởng trong nội các thì giờ đây chịu sự quản lý của các tướng lĩnh quân sự.
 
Những bước đi trên của quân đội diễn ra sau khi Tư lệnh quân đội Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha hôm 22/5 bất ngờ tuyên bố thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, chiếm quyền của chính phủ và bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị then chốt. Ông Prayuth còn tuyên bố, cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm để khôi phục lại trật tự và sự ổn định ở đất nước Thái Lan sau 6 tháng diễn ra tình trạng bất ổn và bế tắc chính trị.
 
Diễn biết bất ngờ và choáng váng trên diễn ra sau khi Tướng Prayuth ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp đất nước Thái Lan hồi đầu tuần trong một động thái được ông này miêu tả là một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Một ngày sau, ông Prayuth đã triệu tập các lãnh đạo chính trị đối địch nhau đến tham gia một cuộc đàm phán trực tiếp song phương. Cuộc đàm phán kéo dài trong 2 ngày đã không thể phá vỡ được thế bế tắc chính trị hiện nay trên chính trường Thái Lan. Kết quả là một cuộc đảo chính mới, cuộc đảo chính thứ 19 của quân đội, đã xảy ra.
 
Mỹ nổi giận rút viện trợ cho Thái Lan
 
Phản ứng trước cuộc đảo chính quân sự mới ở Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ra tuyên bố, trong đó bày tỏ: “Tôi thất vọng về quyết định của quân đội Thái Lan trong việc đình chỉ hiến pháp và kiểm soát chính phủ sau một thời gian dài rối loạn chính trị, và không có một sự biện minh nào cho cuộc đảo chính quân đội này. Tôi quan ngại về các tin tức cho hay các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp thuộc các đảng chủ chốt của Thái Lan đã bị giam giữ và kêu gọi việc thả họ. Tôi cũng quan ngại về việc các cơ quan báo chí đã bị đóng cửa. Tôi thúc giục việc khôi phục ngay lập tức chính quyền dân sự, quay trở lại chế độ dân chủ và tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí. Con đường tiến về phía trước của Thái Lan phải bao gồm các cuộc bầu cử sớm, thể hiện được nguyện vọng của người dân.

Tuy chúng tôi đánh giá cao tình hữu nghị lâu dài với nhân dân Thái Lan, động thái này sẽ có tác động sâu xa tiêu cực đối với quan hệ Mỹ-Thái Lan, đặc biệt là đối với mối quan hệ của chúng tôi với quân đội Thái Lan. Chúng tôi đang xem xét lại trợ giúp quân sự, các hỗ trợ và tham dự khác của chúng tôi, phù hợp với luật pháp của Mỹ”.
 
Trong một động thái mới nhất, Mỹ đã tạm ngừng khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD cho Thái Lan sau cuộc đảo chính, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (23/5) thông báo.
 
Mỹ cũng đang xem xét lại khoản viện trợ trực tiếp hàng năm còn lại cho Thái Lan trị giá khoảng 10,5 triệu USD cho năm tài khóa 2013 cùng một số chương trình khu vực và toàn cầu khác.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc