Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính Ban tiếng Việt của đài “Tiếng nói nước Nga”, khi đó có tên là Đài Matxcơva, đã đưa tin đầu tiên về việc Sài Gòn được giải phóng.
Ngày 1 tháng 5, đại sứ Liên Xô tại Hà Nội là đại diện ngoại giao nước ngoài đầu tiên được chính thức thông báo về chiến thắng ở miền Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi thực hiện nhiệm vụ đó đã nói: "Cả dân tộc chúng tôi đang phấn khởi trước niềm vui chiến thắng luôn nhớ về sự ủng hộ và giúp đỡ mà đất nước các bạn đã dành cho chúng tôi.
Trong chiến thắng của chúng tôi có sự đóng góp to lớn của các bạn. Có một điều tượng trưng là các chiến sỹ giải phóng quân đã tiến vào Sài Gòn trong những chiếc xe tải được chế tạo tại các nhà máy Liên Xô, và các chiến sỹ Việt Nam lái xe tăng Liên Xô T-54 là những người đầu tiên đã phá tung cửa tiến vào dinh tổng thống ở Sài Gòn."
Thủy thủ Liên Xô là những người đầu tiên đưa tàu tới bờ biển của miền Nam được giải phóng. Lực lượng giải phóng vẫn còn đang trên đường tiến vào Sài Gòn thì hai tàu của Liên Xô đã cập cảng Đà Nẵng, và theo lời giám đốc cảng khi ấy, “đó là tàu nước ngoài đầu tiên mang hàng hóa hòa bình tới quân cảng này trong suốt lịch sử trăm năm của nó." Trong những ngày đầu tiên của tháng Năm, tàu Liên Xô đã đậu bến Sài Gòn, mang thực phẩm, thuốc men và các hàng hoá cần thiết cho nhân dân thành phố và những người tị nạn dồn ứ lại.
Trong tất cả những năm đấu tranh chống Mỹ và thống nhất đất nước, Nga và các nước cộng hòa khác của Liên Xô cũ luôn luôn đứng về phía các lực lượng yêu nước Việt Nam. Sự hỗ trợ của Nga và các nước Liên Xô cũ dành cho Việt Nam thực sự toàn diện. Liên Xô đã cung cấp thiết bị quân sự và vũ khí cho quân đội Việt Nam, gửi đến miền Bắc Việt Nam hàng ngàn chuyên gia quân sự và dân sự, xây dựng và khôi phục các cơ sở hạ tầng quân sự và kinh tế, thành lập các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo cán bộ quân đội và kỹ sư Việt Nam trong các trường đại học của Liên Xô.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Hội hữu nghị với Việt Nam là tổ chức đông đảo nhất ở Liên Xô. Trong những ngày chủ nhật đoàn kết với Việt Nam, hàng triệu công dân Liên Xô đã lao động để góp tiền mua và gửi tới Việt Nam các loại hàng hoá cần thiết nhất cho nhân dân miền Bắc và vùng giải phóng ở miền Nam.
Trong những năm đó, mỗi công dân Xô Viết đều cảm nhận bằng tấm lòng mình tất cả những khó khăn và hy vọng của những người yêu nước Việt Nam. Và tất nhiên, chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã trở thành niềm vui lớn lao cho mỗi một công dân Liên Xô. Quan sát viên Alexei Lenxov của Ban tiếng Việt đài Tiếng nói nước Nga cho biết:
“Tôi còn nhớ rõ vào những ngày ấy, người dân Mátxcơva đã thân ái chào đón các bạn Việt Nam mà họ gặp trên đường phố. Người ta ôm hôn, tặng hoa, mời họ đến nhà chơi ăn mừng chiến thắng.
Quốc tế Lao động mùng Một tháng Năm năm 1975 đối với chúng tôi đã trở thành ngày mừng chiến thắng của những người Việt Nam yêu nước. Những thông tin chi tiết xuất hiện trên trang nhất tất cả các báo của Liên Xô, trên các làn sóng phát thanh và truyền hình. Tôi thật tự hào khi mình được phân công chuẩn bị viết tin giải phóng thành phố Sài Gòn. Chúng tôi là đài đầu tiên đã lên sóng đọc bản tin chiến thắng. Đài tiếng nói Hoa Kỳ và BBC cũng đã đưa tin về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn sau “Đài phát thanh Mátxcơva”, tên gọi của Đài “Tiếng nói nước Nga” thời đó.
Tuy tình cờ, nhưng có một sự trùng hợp rất biểu tượng. Ngày 30 tháng 4 năm 1945, những người lính Liên Xô đã từng kéo lá cờ chiến thắng lên bầu trời thủ đô nước Đức phát xít. Ba mươi năm sau cũng vào ngày này, ngọn cờ chiến thắng đã xuất hiện trong thành phố Sài Gòn được giải phóng.”
Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất nhân ngày giải phóng tới tất cả các thính giả Việt Nam và những người truy cập website của chúng tôi.
Ý kiến bạn đọc