Nga "phủ sóng" vệ tinh định vị khắp toàn cầu

09:15, 24/04/2014
|

(VnMedia) - Nga dự kiến sẽ xây 50 trạm vệ tinh định vị toàn cầu Glonass ở 36 quốc gia trên khắp thế giới. Thông tin trên vừa được người đứng đầu văn phòng tổng thống Nga đưa ra hôm qua (23/4) tại diễn đàn 2014 về hệ thống định vị toàn cầu.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công nghệ Glonass trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi sẽ nâng cao tính cạnh tranh của dịch vụ định vị Nga. Để đạt được mục đích này, chúng tôi sẽ thiết lập phân khúc đo đạc mặt đất ở nước ngoài. Chúng tôi muốn có 50 trạm thu thập dữ liệu trên 36 quốc gia để đảm bảo sự vận hành ổn định và chính xác của hệ thống GLONASS”, ông Sergei Ivanov cho biết.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch thiết lập một không gian định vị chung với Kazakhstan và Belarus.
 
Hệ thống vệ tinh định vị Glonass được Nga phát triển từ những năm 80 của thế kỷ 20 nhằm cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và trong tương lai sẽ cạnh tranh với hệ thống Galileo của châu Âu.
 
Đài tiếng nói nước Nga cho hay, hiện tại Glonass có thể định vị mọi vị trí trên trái đất với sai số tối đa 5 m. Sai số này sẽ giảm xuống mức 1 m vào năm 2015.
 
Giới khoa học dự báo định vị toàn cầu qua vệ tinh sẽ sớm trở thành một phần trong cơ sở hạ tầng của các nước phát triển trong tương lai rất gần. Vì thế Nga muốn nhanh chóng chiếm thị phần định vị toàn cầu trong thời gian tới. Hiện tại GPS là hệ thống định vị toàn cầu duy nhất đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống định vị của Mỹ có một số khiếm khuyết, như không hoạt động tốt ở nhiều vùng thuộc bán cầu bắc và không thể định vị ở Bắc Cực. Do 45% diện tích lãnh thổ Nga thuộc Bắc Cực, hệ thống Glonass có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nga.
 
Nhiều quốc gia coi Glonass là sự thay thế hoàn hảo của GPS. Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan và Canada đã ký thỏa thuận sử dụng Glonass. Liên minh châu Âu đang soạn thảo một thỏa thuận về Glonass với Nga. Các nước châu Mỹ Latinh và Ảrập cũng thể hiện sự quan tâm. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng GPS và Glonass không phải là đối thủ, mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Trong vài năm tới, một khách hàng có thể sử dụng hai hệ thống định vị cùng lúc.


Đan Khanh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc