(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (24/4) cảnh báo, những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế sắp được tung ra nhằm vào Nga, sau khi ông này cáo buộc Moscow không thực hiện thỏa thuận đạt được hôm 17/4 tại hội nghị Geneva về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tiếp lời ông Obama, Ngoại trưởng John Kerry cũng đưa ra những lời đe dọa thẳng thừng tương tự.
Tổng thống Obama |
Đáp lại những cảnh báo trên của giới chức Mỹ là thái độ điềm tĩnh, thản nhiên của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Thủ tướng Dmitry Medvedev. Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ làm Nga thêm mạnh mẽ.
Mỹ lại "giơ móng vuốt"
Những cảnh báo được Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đưa ra ngày hôm qua là mới nhất trong “cơn mưa” những cảnh báo, đe dọa mà giới chức Mỹ đưa ra nhằm vào Nga trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua ở Ukraine. Phát biểu trong chuyến công du Châu Á, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Mỹ sắp áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn thận trọng cho biết, Mỹ cần phải đảm bảo có được sự ủng hộ của các nước đồng minh về việc cần phải áp dụng thêm áp lực về kinh tế đối với Moscow. Tổng thống Mỹ thừa nhận, những biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ chẳng làm thay đổi được những “tính toán địa chính trị” của người đồng cấp Vladimir Putin.
"Có một số thứ Mỹ có thể làm một mình được nhưng cuối cùng thì vấn đề này cần phải có một nỗ lực chung, một nỗ lực tập thể”, ông Obama đã phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phát biểu trên của ông Obama đã phơi bày những khó khăn mà ông này phải đối mặt trong việc đưa ra những biện pháp đáp trả Nga về tình hình Ukraine. Tổng thống Obama không đưa ra thời gian biểu về việc khi nào những biện pháp trừng phạt mới về kinh tế sẽ được tung ra, chỉ nói đó là vấn đề vài ngày chứ không phải vài tuần.
Tổng thống Obama phàn nàn rằng, lực lượng dân quân địa phương ở miền đông Ukraine tiếp tục chiếm đóng các tòa nhà chính quyền và trụ sở cảnh sát, thách thức giới chức lâm thời cầm quyền mới ở Kiev.
"Cho đến giờ, chúng tôi thấy họ vẫn không tuân theo tinh thần hay những cam kết được đưa ra trong thỏa thuận ở Geneva”, ông Obama nói đồng thời thêm rằng “sẽ phải có hậu quả cho chuyện đó và chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt”.
Cùng với Ukraine, Mỹ đổ lỗi cho Nga không tuân theo thỏa thuận ở Geneva. Tuy nhiên, Moscow tố cáo, chính chính quyền lâm thời ở Kiev mới không thực hiện những cam kết đưa ra trong thỏa thuận tại hội nghị 4 bên khi tiếp tục bắt giữ người chống đối, không thực hiện lệnh ân xá và không giải trừ vũ khí của các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Bằng cách thừa nhận Mỹ vẫn cần sự hợp tác từ các đồng minh trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Obama đã phơi bày ra thực tế về một trong những cản trở chính trong việc thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga. Nhiều nước Châu Âu dựa vào nguồn năng lượng của Nga và vì thế, họ hoàn toàn không muốn gia tăng áp lực lên Moscow bởi điều đó đồng nghĩa với hành động làm tổn thương chính nền kinh tế của nước họ.
Cùng góp giọng với Tổng thống Obama ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng cáo buộc Nga không thực hiện thỏa thuận Geneva nhằm làm dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Trong những phát biểu thẳng thừng một cách bất thường, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố, nếu Moscow không ngay lập tức tiến hành các bước đi nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine, Washington sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Ông Kerry cảnh báo, đó sẽ là một hành động “nghiêm trọng”, “một sai lầm đắt đỏ”.
Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev xem thường đòn trừng phạt của Mỹ
Phản ứng trước lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Obama nói trên, Tổng thống Putin hôm qua tuyên bố, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ chỉ phản tác dụng và thực sự chỉ làm lợi cho nền kinh tế Nga.
Tổng thống Putin |
“Phụ thuộc quá nhiều vào các nước khác có thể dẫn tới một sự mất mát nhất định về chủ quyền”, Tổng thống Putin đã phát biểu như vậy tại một diễn đàn ở St. Petersburg ngày hôm qua.
Theo lời ông chủ điện Kremlin, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đem lại nhiều lợi thế cho Nga.
Lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự đang giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, đưa nguồn đầu tư ở bên ngoài trở về Nga nhiều hơn và tạo cho các nhà lập chính sách cơ hội để thúc đẩy một chế độ thanh toán nội địa.
Giảm đầu tư ra bên ngoài từ lâu đã là ưu tiên trong chính sách của điện Kremlin và những biện pháp trừng phạt của phương Tây đã giúp cho điều này.
Người Nga có tài sản ở phương Tây lo lắng nguồn tiền của họ có thể bị phong tỏa bất kỳ lúc nào nên điều đó khuyến khích họ giữ tiền trong nước và trả thuế vào ngân sách của Nga chứ không phải đóng thuế ở bên ngoài. Ước tính 111 tỉ USD tiền của Nga, khoảng 20% giá trị xuất khẩu của cả nước, bị “mất” ra bên ngoài,
Các nhà lập chính sách cũng khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký ở trong nước thay vì ở nước ngoài để tránh bị trừng phạt.
Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ đã gây rối loạn đối với Visa và Mastercard bằng việc phong tỏa bất hợp pháp những khoản thanh toán ở ít nhất 3 ngân hàng của Nga hồi tháng 3. Các dịch vụ sau đó đã được nối lại nhưng Tổng thống Putin nghĩ rằng, sự việc trên dẫn đến mất mát cho chính hai công ty thẻ tín dụng khổng lồ chứ không phải cho phía Nga. Theo ông Putin, đó là “một sai lầm rất lớn”.
Ông Putin tin rằng, các hệ thống thanh toán Visa và MasterCard sẽ mất thị phần ở Nga nếu có bất kỳ hoạt động ngắt quãng nào trong hoạt động thanh toán trong tương lai. Hiện, hai công ty trên đang chiếm tới 90% thị phần ở Nga. “Tôi chắc rằng, họ biết rõ điều đó”, ông Putin nói thêm.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng rắn rỏi và tự tin tuyên bố, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không thể giáng đòn chí tử vào nền kinh tế Nga mà thực sự chỉ đem lại lợi ích cho Nga.
Trong khi Mỹ đang nhăm nhe tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga thì EU đang trì hoãn việc này bởi họ không có được sự nhất trí của tất cả các nước thành viên.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc