Bị chọc giận, Nga khiến Mỹ bẽ mặt

09:22, 07/03/2014
|

(VnMedia) - Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin nói dối về tình hình Ukraine, Nga đã nổi giận đùng đùng, “vạch mặt” Mỹ bằng những phát biểu thẳng thừng, không e ngại, khiến Mỹ bẽ mặt.

 

Ảnh minh họa

Một người ở Crimea giơ cao tấm biển phản đối Mỹ can thiệp vào Ukraine


Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng “tiêu chuẩn kép” và “giở trò tuyên truyền thấp kém” bằng việc liệt kê một danh sách những cái mà Washington gọi là “cáo buộc sai trái” của Tổng thống Putin về những sự kiện ở Ukraine.

 

“Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố tình vin vào cách hiểu một chiều đáng xấu hổ về những sự kiện” xảy ra ở Ukraine , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich hôm qua (6/3) cho biết. Ông này nói thêm rằng: “Chắc chắn, Washington không thể thừa nhận thực tế rằng họ đang nuôi dưỡng, kích động những cuộc biểu tình ở Maidan, khuyến khích lật đổ một chính phủ hợp pháp bằng bạo lực, và sau đó mở đường cho những kẻ đang tự cho mình là bộ máy cầm quyền hợp pháp ở Kiev”.

 

Trước đó, hôm 5/3, đúng một ngày sau khi diễn ra cuộc họp báo của Tổng thống Nga về tình hình Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc ông này nói dối và liệt kê ra “một bản danh sách” gồm 10 điều mà họ cho là “cáo buộc sai trái” của ông Putin quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Phản ứng trước bản danh sách trên, Moscow tuyên bố không đáp trả với một hành động “tuyên truyền thấp kém” như vậy. “Chúng tôi sẽ chỉ nói lại một lần nữa rằng, chúng tôi đang phải đối mặt với một sự ngạo mạn không thể chấp nhận và một sự làm ra vẻ là họ độc quyền về sự thật”, phát ngôn viên Lukashevich đã nói như vậy trong một tuyên bố được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga.

 

Gay gắt hơn, nhà ngoại giao Nga thẳng thừng tuyên bố, Mỹ “không có quyền về mặt đạo đức” để rao giảng cho các nước khác về việc tuân thủ luật quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền của nước khác.

 

“Vậy những chuyện như đánh bom nước Nam Tư cũ hay xâm lược Iraq trên cái cớ giả mạo thì sao?”, phát ngôn viên Lukashevich công khai chỉ trích.

 

Có không ít những ví dụ về việc Mỹ can thiệp quân sự vào các nước khác khi mà không hề có mối đe dọa thực sự đến an ninh của nước Mỹ. Có thể kể ra một loạt trường hợp như ở Việt Nam, Li-băng, Cộng hòa Dominica, Grenada, Libya và Panama.

 

“Chiến tranh Việt Nam đã cướp đi 2 triệu mạng sống của dân thường, chưa kể đến việc phá hủy hoàn toàn đất nước và làm ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, với cái cớ là để bảo vệ an ninh cho người Mỹ - những người chỉ đơn giản tình cờ có mặt ở vùng xung đột, Mỹ đã đem quân xâm lược Li-băng năm 1958 và Cộng hòa Dominica năm 1965, tấn công quốc gia nhỏ bé Grenada năm 1983, đánh bom Libya năm 1986 và chiếm Panama 3 năm sau đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga thẳng thừng “vạch mặt” Mỹ.

 

“Vậy mà, họ còn dám đổ lỗi cho Nga ‘xâm lược vũ trang’ khi Nga đứng lên bảo vệ các đồng bào của mình – những người đang chiếm đa số ở Crimea, với mục đích ngăn chặn các lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan khỏi việc gây ra thêm một cuộc đổ máu Maidan khác”, ông Lukashevich nói.

 

Rõ ràng, Washington không thể xử lý được những diễn biến ở Ukraine theo đúng mong muốn, mục đích và khuôn mẫu của Mỹ. Nhưng đó không phải là lý do để đổ lỗi cho người khác, Bộ Ngoại giao Nga kết luận.

 

Cũng theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga , Washington không thể đối mặt với chính mình và thừa nhận thực tế là họ không thể “luôn luôn chỉ đạo mọi thứ ở khắp mọi nơi theo ý chí của họ”. “Họ đã mất tự chủ nhưng đó không phải là lý do để đặt lỗi lầm của mình lên cửa nhà người khác”, ông Lukashevich nói thêm.

 

Nga và Mỹ đang có cuộc đối đầu gay gắt xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Washington ủng hộ mạnh mẽ cho chính phủ lâm thời mới ở Kiev được bầu lên sau khi thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng thống thân Nga Yanukovych. Trong khi đó, Nga kiên quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền này, cáo buộc chính quyền hiện tại ở Kiev chiếm quyền một cách bất hợp pháp và vi hiến.

 

Mỹ liên tục cáo buộc Nga “xâm lược” nước Cộng hòa tự trị Crimea, phớt lờ thực tế rằng giữa Nga và Ukraine có một thỏa thuận được ký kết năm 1997, theo đó, Nga có quyền triển khai tới 25.000 binh lính trên bán đảo Crimea.

 

Tổng thống Obama lại gọi điện cho người đồng cấp Putin

 

Trong một diễn biết mới nhất, Tổng thống Barack Obama hôm qua lại tiếp tục gọi điện cho người đồng cấp Nga Putin để nói về tình hình Ukraine . Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Mỹ kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bước sang giai đoạn cao trào.

 

Trong cuộc điện đàm kéo dài suốt một giờ đồng hồ ngày hôm qua, ông Obama đã một lần nữa đề nghị một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Ông chủ Nhà Trắng đã nói với ông chủ điện Kremlin rằng, những hành động của Nga ở bán đảo tự trị Crimea là “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine . Nó sẽ dẫn đến các bước đáp trả của chúng tôi và các đối tác Châu Âu”.

 

Được biết, ngày hôm qua, chính quyền của Tổng thống Obama đã thông báo những biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga. Cụ thể, Mỹ đã quyết định cấm cấp visa và phong tỏa tài sản đối với những người Nga và người Ukraine liên quan đến cái mà họ gọi là hành động chiếm đóng Crimea của Nga. Trước dó, Mỹ đã hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại và cắt đứt quan hệ quân sự với Nga.

 

"Tổng thống Obama đã ám chỉ rằng, có một cách để giải quyết tình hình bằng con đường ngoại giao. Giải pháp đó giải quyết được lợi ích của nước Nga, người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế”, Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm.


Ông Obama cũng gợi ý một loạt biện pháp khác như các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ lâm thời ở Kiev hiện nay với Nga, triển khai các quan sát viên quốc tế để bảo đảm quyền của tất cả người Ukraine ở Crimea, trong đó có người gốc Nga, rút quân Nga trở lại các căn cứ ở Crimea và giúp Ukraine tiến hành cuộc bầu cử sớm vào tháng 5 tới.

 

Tuy nhiên, Nga sẽ khó chấp nhận các đề xuất của Tổng thống Obama. Nga kiên quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev hiện tại, vì vậy, sẽ không có chuyện diễn ra một cuộc gặp trực tiếp giữa hai bên. Về vấn đề quan sát viên quốc tế, Moscow từng khẳng định, việc đó do Crimea quyết định. Liên quan đến vấn đề rút quân, Nga đã nhiều lần khẳng định họ chưa triển khai quân ở bán đảo tự trị Crimea dù được phép của Quốc hội.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc