Nga, Mỹ thêm động thái "so găng" tại Ukraine?

15:40, 06/03/2014
|

(VnMedia) - Các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn tiếp tục cáo buộc lực lượng Nga đang chiếm lĩnh một phần các đơn vị phòng thủ tên lửa của Ukraine ở Crimea. Trong khi đó, có tin quân đội Mỹ triển khai thêm một loạt chiến đấu cơ đến gần Ukraine. 
 

Ảnh minh họa

Mỹ rục rịch chuẩn bị cho hành động quân sự ở Ukraine?


Nga bị tố chiếm lĩnh 2 đơn vị tên lửa Ukraine
 
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng Nga hôm qua (5/3) đã chiếm một phần trong 2 đơn vị phòng thủ tên lửa ở Crimea. Tuy vậy, Ukraine khẳng định, các tên lửa vẫn đang nằm trong quyền kiểm soát của họ.
 
Tại một căn cứ ở Cape Fiolent, gần thành phố Sevastopol, phía nam Crimea, các binh lính Nga đã kiểm soát một số phần của căn cứ này mặc dù kho tên lửa vẫn ở trong tay của lực lượng Ukraine, ông Volodymyr Bova – một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine ở bán đảo Crimea đã cáo buộc như vậy.
 
Các lực lượng thân Nga cũng đang kiểm soát một phần căn cứ phòng thủ tên lửa thứ hai ở Evpatoria. Tuy nhiên, căn cứ này không sở hữu tên lửa.
 
Các binh lính Ukraine vẫn đang nắm giữ trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở hai căn cứ phòng thủ tên lửa, một phát ngôn viên khác của Bộ Quốc phòng Ukraine ở Kiev -  ông Oleksey Mazepa cho biết.
 
Cả hai vụ lính Nga giành quyền kiểm soát các đơn vị tên lửa đều diễn ra suôn sẻ mà không xảy ra bất kỳ cuộc đụng độ bạo lực nào, các vị quan chức lâm thời của Ukraine khẳng định.
 
Khoảng 20 binh lính Nga dưới sự hậu thuẫn của hàng trăm người thuộc lực lượng thân Nga đã cố gắng tìm cách chiếm đóng căn cứ Evpatoria từ tối hôm 4/3, dẫn tới một số vụ đụng độ mặc dù không có phát súng nào được bắn ra.
 
Khu vực tự trị Crimea được cho là đang nằm trong quyền kiếm soát của các lực lượng thân Nga kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ mới thân phương Tây được dựng lên ở thủ đô Kiev.
 
Các diễn biến trên chính trường Ukraine trong những ngày vừa qua được xem là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và phương Tây ở quốc gia Đông Âu.
 
Chính phủ lâm thời mới được dựng lên ở thủ đô Kiev đã liên tục cáo buộc Nga đưa quân vào "xâm lược" Crimea. Trên thực tế, kể từ sau khi chính quyền lâm thời ở Kiev lật đổ Tổng thống Yanukovych và đưa ra những chính sách thể hiện sự cực đoan, phân biệt đối xử với người gốc Nga ở Crimea, khu vực tự trị này đã “nổi dậy” đòi tách ra khỏi Ukraine, tự thành lập chính quyền riêng và bộ máy riêng độc lập.
 
Người đứng đầu bán đảo Crimea tuyên bố, họ đã giành quyền kiếm soát các lực lượng quân sự ở đây.
 
Bản thân giới chức Nga cũng khẳng định, lực lượng của họ không hề kiểm soát Crimea. Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh, những binh lính được triển khai ở khu vực Crimea của Ukraine không phải là người Nga mà thuộc “lực lượng phòng vệ” khu vực. Vì thế, ông Lavrov cho hay, Moscow không thể ra lệnh cho các nhóm vũ trang ủng hộ Nga ở Crimea quay trở lại căn cứ của họ.
 
Trước lời kêu gọi rút quân của phương Tây, ông Lavrov đã trả lời: “Nếu bạn định nói về các đơn vị phòng vệ do người dân Crimea lập nên thì chúng tôi không ra lệnh cho họ và họ cũng không nhận lệnh từ chúng tôi. Về phía các nhân viên quân sự của chúng tôi ở Hạm đội Biển Đen, họ vẫn đang có mặt ở các địa điểm triển khai".
 
"Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể để ngăn chặn đổ máu”, ông Lavrov nói.
 
Lầu Năm Góc đưa một loạt chiến đấu cơ đến gần Ukraine
 
Trong khi phương Tây liên tục cáo buộc Nga triển khai quân đến Crimea thì hôm qua cũng có tin, Lầu Năm Góc đang phái một loạt chiến đấu cơ đến để tăng cường sự hiện diện của NATO gần Ukraine.
 
Quân đội Mỹ cho biết, họ tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO để bảo vệ các đồng minh ở Châu Âu. Đây được xem là một động thái nhằm đáp trả cái mà phương Tây gọi là “cuộc xâm chiếm” của Nga ở bán đảo Crimea.
 
Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lần đầu tiên đưa ra đề xuất về việc triển khai chiến đấu cơ tại phiên điều trần ở Quốc hội sáng ngày hôm qua (5/3), một quan chức Bộ Quốc phòng xác nhận, Mỹ sẽ cử thêm 6 chiếc máy bay chiến đấu F-15 và một chiếc KC-135 đến “bổ sung cho nhiệm vụ” ở các nước Baltic.
 
Hiện tại, Mỹ đã cung cấp 4 chiếc máy bay chiến đấu F-15 cho nhiệm vụ được biết đến dưới cái tên Cảnh sát Bầu trời Baltic. Những chiếc máy bay mà Mỹ định triển khai thêm sẽ được phái đi từ một căn cứ ở Anh đến Căn cứ Không quân Siauliai ở Lithuania.
 
"Hành động của chúng tôi được thực hiện theo đề nghị của Liên minh Baltic và nó cũng một lần nữa chứng minh cho cam kết của chúng tôi đối với an ninh của NATO”, vị quan chức giấu tên trên cho hay.
 
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry miêu tả quyết định triển khai máy bay chiến đấu "là bước đi cụ thể nhằm tái bảo đảm cam kết của chúng tôi với các đồng minh NATO". Chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp tục kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin “làm dịu tình hình”. Trong khi đó, Mỹ cũng khẳng định họ không đưa ra bất kỳ lựa chọn quân sự nào trong vấn đề Ukraine mà chỉ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc