Bị cảnh báo, quân đội quyền lực Thái Lan thoái lui?

08:27, 31/12/2013
|

(VnMedia) - Quân đội quyền lực và bị chính trị hóa của Thái Lan hôm qua (30/12) đã lên tiếng trấn an nỗi lo sợ đang dấy lên trước viễn cảnh lực lượng này lại “nhảy” vào chính trường để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng một cuộc đảo chính mới.

Ảnh minh họa

 Quân đội Thái Lan trước đây thường đứng về phe chống Thaksin. Vì vậy, lập trường và mỗi bước đi của lực lượng này trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đang được theo dõi sát sao.


Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ vẫn ngoan cố cố thủ tại các khu vực xung quanh thủ đô Bangkok với mục tiêu nhằm phá vỡ kế hoạch tổ chức bầu cử sớm của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Cuộc xung đột chính trị quen thuộc lại đang bùng lên trên đất nước Thái Lan và nó đã kéo dài nhiều tuần qua. Trong một diễn biến đáng lo ngại, các cuộc biểu tình đã leo thang thành những cuộc đụng độ đổ máu giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình hồi tuần trước ở ngay bên ngoài một sân vận động – nơi đang diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

 

Trong bối cảnh tình hình chính trị ở Thái Lan mỗi lúc một trở nên nghiêm trọng thì người đứng đầu quân đội nước này đã có phát biểu “đổ thêm dầu vào lửa” khi úp mở về khả năng thực hiện một cuộc đảo chính mới.

 

Sau khi xảy ra những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương hôm thứ Năm tuần trước (26/12), Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đã phát biểu rằng, cánh cửa cho một cuộc đảo chính “không đóng cũng không mở”. Lời tuyên bố đầy giật mình này của một trong những vị tướng lĩnh hàng đầu Thái Lan đã gây ra một cơn sốt những tin đồn đoán về khả năng sắp xảy ra một cuộc đảo chính mới.

 

Ngay lập tức, đảng Pheu Thai cầm quyền và những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck đã lên tiếng cảnh báo quân đội hãy tuân theo các nguyên tắc dân chủ và họ sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng nếu một cuộc đảo chính nổ ra. Phe của bà Yingluck tuyên bố sẽ không để cho bất kỳ một cuộc đảo chính nào xảy ra thêm nữa.

 

Trước tình hình sôi sục lên như vậy, phát ngôn viên quân đội Thái Lan – ông Winthai Suwaree hôm qua đã phải lên tiếng tìm cách trấn an những nỗi lo sợ và quan ngại nói trên. Ông này đã nói với giới phóng viên rằng, những tin đồn kiểu đó đang gây ra “sự bối rối, hiểu lầm và những dự đoán".

 

"Quân đội muốn nhấn mạnh rằng, không có cuộc họp bí mật nào cũng không có bất kỳ chiến dịch nào như dự đoán", ông Winthai khẳng định.

 

Cho đến tuần trước, quân đội vẫn luôn khẳng định lập trường đứng trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Mọi việc chỉ thay đổi sau phát biểu của Tư lệnh Lục quân. Tuy nhiên, với phát biểu mới của phát ngôn viên Winthai, có vẻ như quân đội đã “rút lui” sau những cảnh báo sắc lạnh từ phe Thủ tướng.

 

Chính trường Thái Lan liên tục rơi vào vòng xoáy chao đảo bởi cuộc đối đầu giữa một bên là tầng lớp hoàng gia, trung lưu, thành thị ở thủ đô Bangkok và bên kia là hầu hết tầng lớp dân nghèo, nông dân ở phía bắc và đông bắc đất nước.

 

Phe biểu tình quyết tâm dồn ép nữ Thủ tướng Yingluck

 

Hầu hết các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan hiện nay đều tập trung ở thủ đô Bangkok mặc dù một số người biểu tình cũng đã đổ về phong tỏa các khu vực đăng ký tham gia bầu cử ở 7 tỉnh phía nam. Phong trào của lực lượng biểu tình hiện nay được dẫn dắt bởi một cựu nghị sĩ Suthep Thaugsuban và Đảng Dân chủ đối lập có rất nhiều người ủng hộ ở khu vực phía nam Thái Lan.

 

Khi ngày bầu cử càng đến gần, phe biểu tình càng tỏ ra quyết liệt trong việc dồn ép nữ Thủ tướng Yingluck. Bạo lực xuất hiện thường xuyên hơn trong các cuộc biểu tình.

 

Sáng ngày thứ Bảy (28/12), một người biểu tình đã bị bắn chết bởi một tay súng không rõ danh tính khi tên này nã súng vào một nhóm lều trại được người biểu tình dựng lên ngay bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Yingluck ở Tòa nhà Chính phủ.

 

Phần còn lại của thủ đô vẫn khá yên ắng. Bạo lực lại bùng lên vào ngày Chủ nhật (29/12) khi ai đó đã ném một quả pháo lớn vào một địa điểm biểu tình khác ở một cây cầu gần Toàn nhà Chính phủ, làm bị thương 5 người khác.

 

Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ phá vỡ kế hoạch bầu cử mà chính phủ của bà Yingluck đề ra nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong tuyên bố mới nhất, ông Suthep thông báo, phe biểu tình sẽ kéo về chiếm đóng thủ đô Bangkok sau dịp năm mới để ngăn không cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra.

 

Trước đó, Đảng Dân chủ đối lập đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử.

 

Sở dĩ những người biểu tình và Đảng Dân chủ đối lập không chấp nhận kế hoạch bầu cử là bởi vì họ đã biết trước thất bại của bản thân nếu tham gia vào cuộc bầu cử này. Kể từ năm 2001 đến nay, Đảng Dân chủ chưa bao giờ có cơ hội chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào.

 

Với lực lượng ủng hộ đông đảo, chiếm đa số, phe của ông Thaksin luôn dành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Phe đối lập chỉ có thể lên cầm quyền bằng các cuộc đảo chính hoặc biểu tình lật đổ chính phủ.

 

Ông Suthep và những người ủng hộ ông này nằng nặc đòi thành lập một hội đồng nhân dân lên nắm quyền, thay thế cho chính phủ của bà Yingluck hiện nay. Thành viên của hội đồng này không phải do dân bầu lên mà do tự phe biểu tình lựa chọn. Đòi hỏi này của ông Suthep và người biểu tình đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối của nhiều học giả. Nhiều người coi đây là một hành động phi dân chủ, chống dân chủ. Và đương nhiên, nữ Thủ tướng Yingluck cũng kiên quyết không chấp nhận yêu cầu của phe biểu tình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc