Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng cao độ

07:38, 30/12/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc và Nhật Bản – hai cường quốc hùng mạnh nhất khu vực Châu Á, đang “quần thảo” nhau trên bầu trời, “vật lộn” nhau trên biển và khẩu chiến gay gắt với nhau trên chính trường. Phải chăng, hai nước này đang lôi nhau vào một cuộc chiến tranh tàn khốc?
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abe đang khiến quan hệ Trung-Nhật thêm căng thẳng vì chuyến thăm đến đền thờ chiến tranh ở thủ đô Tokyo.


Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản gắn bó mật thiết với nhau, phụ thuộc chặt chẽ với nhau nhưng mối quan hệ của hai cường quốc này đang lao xuống một vòng xoáy nguy hiểm và tình hình này dường như không thể đảo ngược.
 
Hồi tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật thêm một lần bị khuấy đảo khi ông này bất ngờ có chuyến thăm đầy tranh cãi đến đền thờ chiến tranh Yasukuni – nơi thờ những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản, trong đó có 14 tội phạm hạng A thời Chiến tranh Thế giới Thứ II. Chuyến thăm của giới lãnh đạo Nhật Bản đến đền thờ chiến tranh Yasukuni luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với các nước láng giềng Đông Á của Tokyo bởi họ luôn coi đó là biểu tưởng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc từng có quá khứ hết sức đau thương dưới thời cai trị của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Vì thế, hai nước này đã có phản ứng rất dữ dội trước động thái mới nhất của Thủ tướng Abe.
 
Không cần phải nói thì dường như chẳng bên nào trong hai nước Trung, Nhật dường như cảm thấy cần thiết phải khôi phục lại mối quan hệ hữu nghị song phương. Mối quan hệ này đã bắt đầu lao dốc không phanh từ sau một sự kiện liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Người ta tin rằng, chỉ cần một cử chỉ thiện chí dù chỉ mang tính biểu tượng cũng có thể ngặn chặn sự đi xuống của mối quan hệ Trung-Nhật. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
 
Hồi tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yoshihiko Noda đã ra lệnh mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông – một động thái mà Trung Quốc coi là nhằm quốc hữu hóa quần đảo này.
 
Ông Noda được cho là không có ý định khiêu khích Trung Quốc. Ngược lại, hành động của ông này rõ ràng là nhằm mục đích chặn trước hành động chủ nghĩa dân tộc có thể quá khích của ông Shintaro Ishihara – thị trưởng thành phố Tokyo thời đó. Ông Shintaro vào thời điểm đó muốn chính quyền thành phố Tokyo mua lại quần đảo và tiến hành các hoạt động xây dựng ở nơi này để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai ngày sau quyết định của cựu Thủ tướng Noda, Chủ tịch Trung Quốc thời đó – ông Hồ Cẩm Đào đã ngay lập tức “tung” lời cảnh báo trực tiếp nhằm vào ông Noda, yêu cầu ông này không tiến hành quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắt đầu từ đó, sóng gió nổi lên liên tiếp. Cả Trung Quốc và Nhật Bản không ngại lao vào chỉ trích, lên án nhau. Chưa dừng lại ở đó, tàu thuyền, máy bay của hai nước thường xuyên có những cuộc đối đầu, rượt đuổi nhau đầy nguy hiểm ở khu vực tranh chấp, khiến tình hình ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn ở tình thế báo động.

Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền đến lượn lờ, khiêu khích Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở vùng lãnh thổ quanh quần đảo tranh chấp. Trong một bước leo thang hơn nữa, Trung Quốc bắt đầu đưa cả máy bay, thậm chí là chiến đấu cơ vào vùng trời ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản đáp trả bằng cách ra lệnh cho một loạt máy bay chiến đấu hiện đại của mình đi đánh chặn. Tất cả những diễn biến diễn ra ở mức độ ngày một thường xuyên này luôn khiến thế giới lo ngại về viễn cảnh bất kỳ một hành động, một vụ việc vô tình, không cố ý nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.

Tiếp đó, hồi tháng 11, Bắc Kinh còn khiến căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật leo lên một nấc thang mới khi đột ngột tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông, trong đó bao gồm cả vùng trời ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Với bước đi này, Trung Quốc đòi hỏi các máy bay nước ngoài phải thông báo trước cho họ và thực hiện một loạt các quy định khi bay qua vùng không phận này. Vùng phòng không của Trung Quốc vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Khi tình hình căng thẳng chưa kịp dịu đi thì Thủ tướng Abe lại bất ngờ "khuấy" lên một vấn đề nhạy cảm khác trong quan hệ Trung-Nhật. Bằng chuyến thăm đến đền thờ chiến tranh mới đây, Thủ tướng Abe đã "đốt nóng" thêm mối quan hệ Trung-Nhật. 
 
Những hành động mạnh mẽ, cứng rắn của cả hai nước đều bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc. Giới phân tích tin rằng, dù lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản thật tâm không muốn đẩy quan hệ song phương vào tình thế nghiêm trọng nhưng họ dường như không có đường rút. Một sự thoái lui, thỏa hiệp ở bất kỳ bên nào được cho là đều phải gánh chịu làn sóng chỉ trích, phản đối dữ dội từ các thành phần chủ nghĩa dân tộc cứng rắn ở trong nước.
 
Trong cái “đà” như vậy, bất kỳ hành động không được tính toán kỹ lưỡng nào cũng có thể khiến quan hệ Trung-Nhật thêm căng thẳng, thêm nóng bỏng. Sự kiện Thủ tướng Abe đến thăm đền thờ chiến tranh đang khiến quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới bị dồn về sát bờ vực chiến tranh. Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở những phát biểu chỉ trích, lên án gay gắt thì báo chí nước này đang sùng sục đòi hành động trả đũa. Thậm chí, họ còn kêu gọi trả đũa “quá tay”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc