Thêm cảnh báo đáng sợ về tranh chấp Biển Đông

09:41, 11/10/2013
|

(VnMedia) - Xung đột vũ trang ở Biển Đông và biển Hoa Đông là nguy cơ không thể loại trừ. Đây là lời cảnh báo vừa được Thủ tướng Australia Tony Abbott đưa ra ngày hôm qua (10/10) sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abbott (đứng thứ ba từ trái sang).


Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei Darussalam, Thủ tướng Australia  - ông Tony Abbott đã nói, ông tin rằng những căng thẳng xung quanh các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang dịu đi nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn còn đó.

 

Vì thế, ông Abbott ủng hộ các nước trong khu vực kêu gọi tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử. Theo ông này, việc giải quyết một cách có trật tự các mâu thuẫn, bất đồng trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ đó là điều có ý nghĩa sống còn đối với thương mại. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho người Australia và đem đến sự thịnh vượng cho tất cả, Thủ tướng Abbott đã nói như vậy với một phóng viên Australia.

 

"Gần 60% giao dịch thương mại của chúng ta đi qua Biển Đông, vì thế, sự ổn định chiến lược ở đây là rất quan trọng”, ông Abbott nói thêm.

 

Khi được hỏi liệu mối nguy cơ bùng phát chiến tranh ở Biển Đông có còn, Thủ tướng Australia đã trả lời: “Nguy cơ vẫn còn - đó là điều không cần phải nghi ngờ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nguy cơ đó đang giảm đi bởi những nỗ lực đang diễn ra tại một hội nghị như thế này”.

 

Đây không phải là lần đầu tiên những cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trở thành chủ đề thống trị tại một Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Người ta đã từng cực kỳ quan ngại về viễn cảnh bùng phát những cuộc xung đột vũ trang ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, ít nhất vào thời điểm hiện tại, các bước đi tiến tới một “bộ quy tắc ứng xử” có tính ràng buộc nhằm tránh xung đột ở Biển Đông được cho là đang bắt đầu đạt được tiến triển dù còn chậm chạp.

 

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Australia Abott dường như không ngại làm Bắc Kinh phật lòng khi công khai nhắc lại tuyên bố, Nhật Bản là người bạn tốt nhất ở Châu Á đồng thời lên tiếng ủng hộ những động thái của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc mở rộng lực lượng phòng thủ của Nhật Bản thông qua việc thay đổi hiến pháp hòa bình. Ông Abott nói, điều đó ngày càng được chấp nhận khi Nhật Bản để lại đằng sau “những nỗi đau và vết thương” gây ra từ các hành động của họ thời Thế chiến II và các nước trong khu vực cũng làm như vậy để cho phép Tokyo đóng vai trò chiến lược lớn hơn trong an ninh khu vực và toàn cầu.

 

Nhật Bản cũng đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Bắc Kinh rất bức xúc, khó chịu trước việc chính quyền ở Tokyo gần đây tìm cách thay đổi hiến pháp hòa bình, ra sức củng cố sức mạnh quân sự vốn đã rất mạnh của nước này.

 

Trung Quốc tìm cách trấn an ASEAN về Biển Đông

 

Trong khi các nước như Mỹ, Nhật Bản và Australia tìm cách gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì cường quốc số 1 Châu Á này cũng ra sức trấn an, “ve vuốt” các nước ASEAN sau những hành động quyết liệt của họ ở Biển Đông.

 

Thủ tướng Lý Khắc Cường đến tham dự Hội nghị Đông Á với mục tiêu xây dựng hình ảnh một Trung Quốc thân thiện, hòa bình nhằm “ve vãn” các nước ASEAN. Phát biểu trước giới báo chí ở Brunei, ông Lý Khắc Cường đã nói rằng, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực đang ở “một điểm khởi đầu mang tính lịch sử”. “Trung Quốc sẽ không tìm cách đi theo con đường cũ là tìm kiếm vị trí bá chủ sau khi trở nên mạnh lên”.

 

Đề cập đến Biển Đông - vấn đề đang được các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm nhất, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên tiếng kêu gọi xây dựng Biển Đông thành một vùng biển của “hòa bình, tình hữu nghị và hợp tác”.

 

"Một Biển Đông hòa bình sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng ta cần cùng nhau nỗ lực để biến Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, ông Lý Khắc Cường đã nói như vậy với các nhà lãnh đạo ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh ở Brunei .

 

Trước đó, nhằm tìm cách “giảm nhẹ” những quan ngại về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã đề xuất ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác với 10 nước thành viên ASEAN. “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận tích cực với ASEAN về việc ký kết một hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác nhằm củng cố nền móng chính trị cho sự tin tưởng chiến lược chung giữa hai bên”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gợi ý như vậy trước khi đến Brunei tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

 

Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin, “với hiệp ước trên, Trung Quốc muốn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc theo đuổi một chiến lược phát triển hòa bình, đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực. Bắc Kinh hy vọng sẽ phát đi được thông điệp với các nước láng giềng ở Đông Nam Á rằng, Trung Quốc là một đối tác thân thiện và đáng tin cậy chứ không phải là một mối đe dọa”.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn đề xuất tăng cường mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

 

Tất cả những bước đi trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước láng giềng đang lo ngại về lập trường và các hành vi quyết liệt, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

                                      

Bắc Kinh được cho là đang thay đổi chính sách, tìm cách tận dụng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Obama tại hai hội nghị quan trọng của khu vực để thuyết phục, ve vãn các nước láng giềng Châu Á sau một thời gian đẩy họ ra xa vì những bước đi có phần hung hăng của nước này trong tranh chấp biển đảo.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc