Biển Đông: Mỹ, Nhật đồng lòng ép Trung Quốc

17:49, 11/10/2013
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (10/10) được cho là đã “song kiếm hợp bích” dồn ép Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Cả hai đều bày tỏ sự quan ngại trước lập trường và các hành động quyết liệt của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên.

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.


Mỹ ngầm ủng hộ Philippines

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua, 10/10 đã ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của đồng minh Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông bằng câu nói, tất cả các nước đều có quyền tìm đến biện pháp thông qua tòa án để giải quyết các cuộc tranh chấp.

 

Trước đó, hồi đầu năm nay, Philippines đã khiến nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc nổi giận đùng đùng khi đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ra tòa án quốc tế, nhằm thách thức tính pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Mỹ đã kiềm chế không thể hiện lập trường đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông - một trong những vấn đề an ninh gây đau đầu nhất của khu vực Châu Á. Tuy nhiên, cường quốc số 1 thế giới tuyên bố, nước này có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông - một trong những tuyến đường biển chiến lược nhộn nhịp nhất thế giới.

 

"Tất cả các bên có tranh chấp đều có trách nhiệm làm rõ và đưa ra những đòi hỏi chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế. Họ có thể dùng đến biện pháp tòa án quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác”, Ngoại trưởng Kerry hôm qua đã nói như vậy với giới lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. "Tự do hàng hải và tự do bay qua không phận ở vùng biển này là trụ cột trong vấn đề an ninh ở Thái Bình Dương”, ông Kerry nói thêm.

 

Một quan chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Kerry đã thúc giục các nước thành viên ASEAN tiếp tục hợp tác “trong đoàn kết và thống nhất” để củng cố lập trường trước Trung Quốc trong tiến trình đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

 

Cùng với Nhật Bản, Mỹ gây sức ép đòi Trung Quốc phải đồng ý tuân theo các quy tắc, luật lệ ở Biển Đông.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và đây là điều không được các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế chấp nhận.

 

Các cuộc tranh chấp trên đã biến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng quân sự nguy hiểm nhất thế giới do Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự và Mỹ đang ra sức thực hiện chiến lược “hướng trọng tâm” vào Châu Á.

 

Nhật quan ngại Trung Quốc dùng vũ lực trong tranh chấp

 

Trong một nỗ lực được miêu tả là “song kiếm hợp bích” với đồng minh Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua cũng bày tỏ sự lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở các vùng biển bằng cách sử dụng đến vũ lực.

 

Ông Abe đã nói với những người đồng cấp ASEAN rằng, Tokyo sẵn sàng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh thông qua đối thoại nhưng ông vẫn rất lo ngại về hành vi của Trung Quốc, ám chỉ đến những nỗ lực thay đổi thế nguyên trạng ở các vùng biển bằng vũ lực của cường quốc số 1 Châu Á này.

 

Nhật Bản cũng đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này đang xấu đi trầm trọng và điều này khiến 10 nước thành viên ASEAN lo ngại.

 

Thủ tướng Abe đã phát biểu với giới lãnh đạo ASEAN rằng, ông sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, chỉ ra rằng một mối quan hệ tốt với Bắc Kinh là vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản.

 

“Cánh cửa đàm phán luôn rộng mở”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh tại hội nghị ASEAN. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam... Ông Abe tin rằng, đang có “những động thái nhằm làm thay đổi thế nguyên trạng bằng cách dùng vũ lực”.

 

Thủ tướng Abe đã nói đến sự cần thiết phải giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo theo luật quốc tế và kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết. Ông Abe cũng cam kết tiếp tục hợp tác với ASEAN trong vấn đề này bởi đó là “vấn đề chung”.

 

Cũng trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Abe đã có những phát biểu ngắn gọn giải thích về nỗ lực thay đổi chính sách an ninh của nước Nhật. Ông này cho biết, môi trường an ninh ở Châu Á đang trở nên ngày một nghiêm trọng và Nhật Bản vì thế “cần phải đóng góp tích cực hơn cho hòa bình cũng như sự ổn định của khu vực và quốc tế từ lập trường chủ nghĩa hòa bình tích cực của mình”.

 

Một số nước thành viên ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Nhật Bản, rõ ràng là hy vọng Tokyo sẽ đóng góp cho hòa bình thế giới với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Không có nhà lãnh đạo ASEAN nào phản đối bước đi của Tokyo , các quan chức Nhật Bản cho biết.

 

Trong tuyên bố của chủ tịch sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các nhà lãnh đạo đã cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc. Bộ quy tắc này sẽ giúp quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, tránh leo thang thành những cuộc xung đột đáng sợ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc