Bị bỏ rơi, Mỹ “đơn thương độc mã” ở Syria?

07:35, 30/08/2013
|

(VnMedia) - Mỹ có vẻ quyết tâm tiến đánh Syria để trừng phạt chính quyền nước này vì “tội” dám dùng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, trong chiến dịch ầm ĩ này, cường quốc số 1 thế giới dường như “đơn thương độc mã” bởi ngay đồng minh mạnh mồm nhất của họ cũng từ bỏ ngang chừng.

Bị đồng minh “bỏ rơi” giữa đường, bị nhiều ý kiến phản đối trong nước và bị cản trở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng Mỹ vẫn xúc tiến kế hoạch can thiệp quân sự hạn chế vào Syria, giới chức Mỹ hôm qua (29/8) cho biết.

Anh - nước mạnh mồm hàng đầu trong vấn đề trừng phạt Syria, đã vấp phải cản trở lớn khi Quốc hội nước này bỏ phiếu chống lại việc tấn công chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây là thông tin bất ngờ mới nhất trong quá trình phương Tây “trống giong cờ mở” tập hợp sự ủng hộ của các nước nhằm phát động một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế vào Syria với mục đích được tuyên bố là để trừng phạt hành động “bước qua lằn ranh đỏ” trong việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Assad.

 

Những ai quan tâm sát sao tình hình ở Syria đều có thể thấy, giới lãnh đạo ở Anh là những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi tấn công Syria sau khi có cáo buộc cho rằng quân đội của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc giao tranh với phe nổi dậy ở bên ngoài thủ đô Damascus hôm 21/8 mới đây. Tuy nhiên, báo chí Anh tối qua đưa tin, các nghị sĩ của nước này đã bỏ phiếu phủ quyết hành động can thiệp quân sự vào Syria . Cụ thể có 285 nghị sĩ Anh bỏ phiếu chống và 272 phiếu ủng hộ một chiến dịch trừng phạt bằng quân sự vào đất nước Syria .

 

Cuộc bỏ phiếu trên là một thất bại đối với Thủ tướng Cameroon sau khi ông này đã có cuộc hội đàm kéo dài với Tổng thống Obama để bàn thảo kế hoạch tấn công Syria . Diễn biến này cũng khiến Mỹ rơi vào tình hình khó khăn nếu muốn trừng phạt Syria bởi ngay cả đồng minh thân thiết nhất và lớn nhất của họ trong chiến dịch này dường như cũng phải bỏ ngang chừng. Trước đây, trong các chiến dịch như thế này, Mỹ thường xuyên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh.

 

Không chỉ bị đồng minh “bỏ rơi” giữa đường, Mỹ còn vấp phải sự phản đối ở trong nước. Từ trước đến nay, trong các cuộc trưng cầu dân ý, người Mỹ đã luôn thể hiện lập trường chống lại một sự can thiệp quân sự của Mỹ vào đất nước Trung Đông.

 

Sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là do chính quyền của Tổng thống Assad gây ra, tỉ lệ ủng hộ Mỹ tiến đánh Syria cũng chỉ tăng lên rất ít nhưng phần đông dân chúng Mỹ vẫn phản đối điều này. Kết quả của một loạt cuộc thăm dò dư luận mới nhất diễn ra trong mấy ngày qua cho thấy, phần lớn cử tri Mỹ vẫn phản đối mạnh mẽ việc Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria . Người Mỹ tin rằng, Washington nên tránh xa cuộc khủng hoảng ở Syria thậm chí kể cả khi thông tin về việc chính phủ ở đất nước Trung Đông sử dụng vũ khí hóa học được xác nhận là chính xác.

Ngoài việc bị Anh “bỏ rơi” giữa đường, bị phần lớn người dân Mỹ phản đối, chính quyền của Tổng thống Obama còn bị cản trở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Nga triệu tập ngày hôm qua, Moscow tiếp tục bác bỏ một nghị quyết của Anh nhằm tìm cách mở đường cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Lý do Nga đưa ra là không có bằng chứng chứng minh cho việc chính quyền của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học. Đây là cuộc họp thứ hai trong hai ngày qua của 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cả hai cuộc họp đều thất bại trong việc tìm kiếm cách xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria .

 

Mỹ đơn thương độc mã đánh Syria ?

 

Mặc dù giới chức Mỹ tỏ ra thận trọng khi nói Tổng thống Obama chưa đưa ra quyết định cuối cùng trong vấn đề Syria nhưng tất cả dấu hiệu hiện nay cho thấy, một cuộc tấn công có thể xảy ra ngay sau khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc rời khỏi Syria sau khi hoàn thành xong cuộc điều tra về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở nước này. Dự kiến, phái đoàn thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ rời thủ đô Damascus vào ngày mai (31/8).

 

Như vậy, chính quyền của Tổng thống Obama có vẻ quyết tâm tiến đánh Syria dù ở tình thế “đơn thương độc mã”.

 

Nhà Trắng tối qua đã trình lên giới lãnh đạo Quốc hội Mỹ những lý lẽ để giải thích cho sự cần thiết phải tấn công trừng phạt Syria . Giới chức chính quyền Mỹ khẳng định, thông tin tình báo đã xác nhận, lực lượng trung thành với Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/8.

 

Giới tình báo không đề cập đến sự liên quan trực tiếp giữa Tổng thống Assad với cuộc tấn công hồi tuần trước nhưng chính quyền tin rằng, họ có đủ lý lẽ để thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế vào Syria nhằm ngăn chặn chính quyền này tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

 

Theo các quan chức Mỹ, ông Obama muốn trừng phạt Syria dựa trên hai lý do, một là để bảo vệ các quy định quốc tế về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học; và hai là nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ gây ra do việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Washington tin rằng, mối đe dọa đó ảnh hưởng cả đến các đồng minh của họ trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nếu vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay những phần tử xấu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc