Tòa án xử tranh chấp Biển Đông rục rịch khởi động

07:58, 29/08/2013
|

(VnMedia) - Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hague hôm 27/8 đã cho Philippines thời gian đến ngày 30/3/2014 để nước này hoàn thiện tất cả lập luận tranh tụng cần thiết về vụ kiện đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Ảnh minh họa

Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc xâm nhập bãi cạn Scarborough ở Biển Đông


Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã đưa ra Trình tự Thủ tục đầu tiên, trong đó vạch ra một thời gian biểu cụ thể ban đầu cho quá trình phân xử cũng như thông qua bộ Quy định về Trình tự Tố tụng.

 

"Tòa án Quốc tế đã chỉ đạo Philippines hoàn thiện bộ hồ sơ kiện Trung Quốc,trong có có các vấn đề liên quan tới thẩm quyền của Tòa án Quốc tế, tính pháp lý của vụ kiện, yêu cầu bồi thường cũng như các điều khoản trong tranh chấp trước ngày 30/3/2014", thông cáo báo chí của ITLOS đưa ra ngày 27/8 cho biết.

 

Trước khi thông qua quy định về trình tự tố tụng cũng như thời gian biểu cho phiên tòa xét xử, ITLOS đã gửi bản phác thảo Bộ Quy định về Trình tự Tố tụng cho cả Philippines và Trung Quốc để hai nước này có ý kiến. Manila đã trình ý kiến của nước này hôm 31/7. Sau đó một ngày (tức là vào ngày 1/8), Trung Quốc gửi văn bản lên ITLOS với nội dung tiếp tục khẳng định lập trường không chấp nhận quy trình phân xử trọng tài do Philippines khởi xướng và cũng không tham gia vào quy trình tố tụng..

 

Philippines đang đòi chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khi cường quốc số 1 Châu Á đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này thông qua yêu sách đường 9 đoạn phi lý. Đòi chủ quyền đến tận những khu vực nằm sát bờ biển của các nước láng giềng, đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và vì thế nó vấp phải sự phản đối dữ dội của các học giả, các chuyên gia trên toàn thế giới.

 

Philippines hôm 22/1 đã chính thức đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Theo lý giải của các quan chức Philippines, quyết định kiện Trung Quốc ra tòa được đưa ra sau khi Manila sử dụng “hầu hết tất cả các phương tiện ngoại giao và chính trị” để giải quyết cuộc tranh chấp trên biển với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng. Manila hy vọng, sự phân xử của toà án quốc tế sẽ đem đến “một giải pháp lâu dài” cho cuộc tranh chấp đang hết sức nóng bỏng hiện nay.

 

Vào ngày 19/2, Trung Quốc đã gửi Philippines một văn bản ngoại giao trong đó phản đối quyết liệt việc Manila đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.

 

Hồi tháng 6 mới đây, Tòa án Quốc tế đã thành lập được Hội đồng gồm 5 thành viên để giải quyết vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể, ông Thomas Mensah – một tiến sĩ ngành luật ở Ghana sẽ đóng vai trò là Chủ tịch hội đồng. 4 người khác gồm ông Jean-Pierre Cot (Pháp); ông Alfred Soons (Hà Lan); ông Rudiger Wolfrum (người Đức – đại diện cho Philippines) và ông Stanislaw Pawlak (người Ba Lan – đại diện cho Trung Quốc).

 

Sau khi chọn đủ được hội đồng gồm 5 thành viên nói trên, phiên họp đầu tiên của ITLOS về việc xét xử vụ kiện “đường lưỡi bò” đã mở màn hôm 11/7 vừa rồi để thông qua bộ quy định về trình tự xét xử.

 

Tòa án Quốc tế về Luật Biển cho biết, họ sẽ sớm quyết định về các tiến trình tiếp theo trong quy trình xét xử vụ kiện tranh chấp ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc