(VnMedia) - Trung Quốc đã cho lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới của nước này quyền được xông lên khám xét và truy đuổi tàu thuyền nước khác hoạt động trong vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông, báo chí địa phương hôm qua (30/11) đưa tin.
Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1 tới sẽ cho phép lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. “Cảnh sát cũng có quyền bắt các con tàu này phải chấm dứt hành trình và đổi hướng”, tờ China Daily – tờ báo chính thức của Trung Quốc, cho biết.
Động thái trên chắc chắn sẽ lại một lần nữa đốt nóng căng thẳng ở khu vực Biển Đông vốn đã chứng kiến rất nhiều sóng gió trong thời gian vừa qua. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông khiến các nước láng giềng bất bình.
Biển Đông hiện tại đang là điểm nóng có nguy cơ bùng phát xung đột lớn nhất ở khu vực Châu Á do có nhiều nước tranh chấp lãnh hải ở đây. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt. Hơn nữa, với tư cách là tuyến đường ngắn nhất nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông chứa đựng một số trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Hơn một nửa nguồn cung cấp dầu mỏ cho toàn cầu đi qua đây.
Philippines, một trong những mục tiêu chính của luật mới mà Trung Quốc vừa đưa ra, hiện tại chưa thể xác nhận tính chính xác của thông tin nói trên. Ông Raul Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết cơ quan này đang thu thập thêm thông tin về luật mới của Trung Quốc.
“Nếu điều đó là đúng thì điều này không chỉ gây lo ngại cho Philippines mà cho cả cộng đồng quốc tế”, ông Hernandez cho biết.
Trong khi đó, ở Malacañang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – ông Edwin Lacierda nói: “Thay vì đề nghị chính phủ Philippines bình luận về lập trường của một quan chức chính quyền địa phương của Trung Quốc, tại sao báo chí không đặt câu hỏi cho Đại sứ quán Trung Quốc tại đây và hỏi xem liệu đó có phải là lập trường mà họ đang áp dụng hiện nay hay không?”.
Tuy nhiên, quân đội Philippines có phản ứng quyết liệt hơn và cho rằng luật mới của Trung Quốc “đã đi quá xa”.
“Điều đó là không thể. Đó là sự vi phạm các quyền quốc tế. Điều đó đã đi quá giới hạn. Trong khi chúng tôi đang cố tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp thì họ lại làm việc đó”, Trung tướng hải quân Juancho Sabban, chỉ huy các lực lượng vũ trang phía tây Philippines (Wescom), cho biết qua điện thoại từ Trại Aguinaldo.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang nổi giận trước việc Trung Quốc hôm 22/11 thông báo đưa bản đồ nước này, trong đó có cả những vùng lãnh thổ tranh chấp, vào trong hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân. Động thái đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của Trung Quốc đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ và cả những động thái trả đũa của các nước trong khu vực gồm Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Việt Nam và Philippines kiên quyết không đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc trong khi Ấn Độ đáp trả bằng cách cách tiến hành cấp thị thực mới cho công dân Trung Quốc. Thị thực này được in hình bản đồ của Ấn Độ trong đó bao gồm đầy đủ những phần lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.
Mỹ cũng tuyên bố không công nhận bản đồ mới gây tranh cãi mà Trung Quốc cho in lên hộ chiếu của họ. Washington cho biết, nước này sẽ đưa vấn đề hộ chiếu mới ra thảo luận với Bắc Kinh bởi đây là vấn đề đang gây “căng thẳng và lo ngại” trong khu vực.
Philippines kiên quyết yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc rời khỏi vùng tranh chấp
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình Biển Đông, Philippines sẽ tiếp tục kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút 3 tàu của nước này khỏi vùng bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông sau gần 6 tháng chính phủ Trung Quốc cam kết thực hiện việc này, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua (29/11) cho biết.
Ngoại trưởng Philippines – ông Albert F. del Rosario cho hay, trong khi Manila đã rút toàn bộ tàu thuyền của mình ra khỏi bãi cạn Scarborough hôm 4/6 như thỏa thuận mà hai nước đạt được thì 3 tàu của chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục bám trụ ở đây.
"Hiện tại, họ vẫn để 3 chiếc tàu neo đậu trong khu vực. Chúng chưa từng rời đi. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu họ tôn trọng chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi cũng yêu cầu họ rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực như đã cam kết trước đó”, ông Rosario nhấn mạnh.
Tàu thuyền của chính phủ Philippines và Trung Quốc đã có một cuộc đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough hồi tháng 4. Cuộc đối đầu này là nguồn cơn gây ra “trận sóng to gió lớn” kéo dài gần 2 tháng trời ở Biển Đông. Trong một nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng trong khu vực, Manila và Bắc Kinh hôm 4/6 đã nhất trí rút toàn bộ tàu thuyền của hai nước ra khỏi vùng tranh chấp. Tuy nhiên, trong khi Philippines tôn trọng cam kết này thì Trung Quốc lại không, Ngoại trưởng Rosario cho biết.
Theo lời ông Rosario, hồi tháng 6, một quan chức Trung Quốc ban đầu đã đưa ra lý do biển động để giải thích cho việc họ chưa rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough như cam kết. Vị quan chức này không cho biết khi nào tàu thuyền của họ sẽ rút đi.
Tuy nhiên, gần 6 tháng đã trôi qua mà tàu thuyền Trung Quốc vẫn ở nguyên vị trí. Điều này đã khiến chính phủ Philippines tức giận.
Kiệt Linh -
(theo Inquirer, Business World, Reuters)
Ý kiến bạn đọc