Nga khiến Mỹ không thể "động thủ" với Triều Tiên?

13:40, 19/09/2017
|

(VnMedia) - Nga không thể cho phép Mỹ và các nước khác kích động Triều Tiên tham gia vào một cuộc xung đột quân sự bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc vũ khí hủy diệt được dùng ngay gần biên giới Nga, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga đã phát biểu cứng rắn như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Mỹ đang ở vị trí thuận lợi hơn bởi lãnh thổ của họ nằm rất xa so với Triều Tiên và họ có thể chịu được trải nghiệm khủng khiếp đó, thứ lỗi cho tôi khi dùng cụm từ này. Trong khi chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có biên giới chung với Triều Tiên, đó không phải là trò đùa”, Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga cho hay.

“Chúng tôi không thể cho phép Mỹ hay bất kỳ nước nào khác tạo ra một tình huống như thế với Triều Tiên”, ông Kosachev cảnh báo khi trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Izvestia.

Vị quan chức Nga cũng nhấn mạnh, giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để bảo vệ họ khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài và vì điều đó họ sẽ không ngừng tập trung nỗ lực vào mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cho phép kịch bản can thiệp nước ngoài vào Triều Tiên cũng như cưỡng ép lật đổ chính quyền Triều Tiên.

“Sự phát triển của kịch bản trên sẽ dẫn tới những hậu quả cực kỳ thảm khốc bởi giới chức Triều Tiên sẽ thực hiện mọi khả năng mà họ có”, ông Kosachev phát biểu, ám chỉ đến kịch bản Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Những phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng, Washington cho phép thực hiện một chiến dịch quân sự chống lại Triều Tiên nếu “chiến dịch gây áp lực bằng biện pháp hòa bình” nhằm vào Bình Nhưỡng không đem lại kết quả gì.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng bày tỏ quan điểm về vấn đề Triều Tiên, theo đó ông nhấn mạnh rằng, ông không tin là Bình Nhưỡng sẽ ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa vì sức ép của các biện pháp trừng phạt cũng như những lời đe dọa về quân sự. Theo ông Putin, những gì đang diễn ra ở Iraq và Libya đã khiến Triều Tiên tin rằng năng lực răn đe hạt nhân là con đường đáng tin cậy duy nhất để đảm bảo an ninh cho đất nước họ.

“Gây ra một cơn quá khích về quân sự trong một tình huống như vậy là vô ích và đó là con đường bế tắc”, ông chủ điện Kremlin đồng thời thêm rằng “diễn biến đó chỉ dẫn đến thảm họa toàn cầu và tổn thất cực lớn về nhân mạng. Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề Triều Tiên ngoài biện pháp đối thoại hòa bình”.

Trong một diễn biến khác có liên quan, tờ Nhật báo Nhân dân – tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về việc đòi Bắc Kinh phải gây thêm áp lực với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân và tên lửa. Tờ báo này viết rằng, Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chấp nhận ‘trách nhiệm’ mà Mỹ áp đặt lên họ”. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% giao dịch thương mại của Triều Tiên.

Tờ báo của Trung Quốc nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt không nên can thiệp vào những hoạt động giao dịch thương mại hợp pháp giữa Triều Tiên với thế giới bên ngoài, hay làm phương hại đến người dân thường. Các biện pháp trừng phạt “không phải là một công cụ để bóp nghẹt một chính quyền”, tờ Nhật báo Nhân dân viết.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ sau khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng Bảy. Trong những ngày qua, người ta chứng kiến Mỹ và Triều Tiên ném vào nhau những lời đe dọa về khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Nga và Trung Quốc đều có chung đường biên giới với Triều Tiên. Nga có mối quan hệ khá tốt đẹp với Triều Tiên trong khi Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên. Chính vì thế, cả Moscow và Bắc Kinh đều cực kỳ quan ngại về viễn cảnh bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc