(VnMedia) - Trong bối cảnh Mỹ dường như bất lực trong việc tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh cho rằng giải pháp mà họ cùng với Nga đề xuất trước đây có thể giúp thay đổi tình hình.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hua Chunying hồi đầu tuần đã nói rằng, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên quan tâm và lo ngại vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể xem xét kỹ lưỡng đề xuất chung mà Nga và Trung Quốc đưa ra trước đây để tháo gỡ cuộc khủng hoảng đang nóng lên từng ngày này.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hồi đầu mùa hè, Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đề xuất biện pháp làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Moscow và Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi Washington cùng với đồng minh Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung. Đây được gọi là kế hoạch “chấm dứt kép”.
"Vào thời điểm này, Trung Quốc hy vọng tất cả các bên sẽ xem xét, cân nhắc một cách nghiêm túc đồng thời chấp nhận các đề xuất của Nga và Trung Quốc về phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng. Cách thức giải quyết tình hình dựa vào sáng kiến ‘chấm dứt kép’ và theo đuổi một giải pháp thích hợp để tháo gỡ vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”, bà Hua đã nói như vậy.
Theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên có liên quan tập trung nỗ lực vào mục tiêu nối lại tiến trình đàm phán và tìm kiếm những biện pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Trung Quốc có còn giữ lập trường trung lập nếu Triều Tiên tấn công đảo Guam, phát ngôn viên Hua đã từ chối bình luận về “câu hỏi mang tính giả thuyết đó”, nhấn mạnh rằng hy vọng của Bắc Kinh là dần dần bình thường hóa tình hình trong khu vực. “Phía Trung Quốc sẽ không trả lời những câu hỏi mang tính giả định đó. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ dần dần thay đổi theo hướng hạ nhiệt căng thẳng”, bà Hua nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow phản đối việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đồng thời nói thêm rằng cả Nga và Trung Quốc “có một loạt đề xuất nhằm ngăn chặn viễn cảnh bùng nổ xung đột nghiêm trọng nhất - một cuộc khủng hoảng có thể gây tổn thất khủng khiếp về nhân mạng”.
Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan tiến hành đối thoại trong bối cảnh tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang không ngừng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất chung của Nga và Trung Quốc.
Đức hiểu và ủng hộ đề xuất “chấm dứt kép” của Nga và Trung Quốc nhằm tháo gỡ ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm nay (16/8) đã phát biểu như vậy.
"Đức đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc tháo gỡ vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đức hiểu và ủng hộ sáng kiếm "chấm dứt kép" mà Trung Quốc đề xuất”, ông Gabriel cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi. Theo Ngoại trưởng Đức, tất cả các bên cần phải cân nhắc đến các bài học của lịch sử để ngăn chặn không cho tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên vượt quá tầm kiểm soát.
"Berlin sẵn sàng tiếp tục phối hợp với Trung Quốc và cùng thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, ông Gabriel nhấn mạnh.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ sau khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng Bảy. Trong những ngày qua, người ta chứng kiến Mỹ và Triều Tiên ném vào nhau những lời đe dọa về khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ khiến Triều Tiên phải hứng chịu “cơn thịnh nộ và hỏa lực mà thế giới chưa từng chứng kiến”. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc các mục tiêu của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mỹ và Triều Tiên thậm chí đều đã công bố kế hoạch tấn công nhau. Với những hành động bất thường mới nhất từ Bình Nhưỡng và Washington, không có gì lạ khi cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại về viễn cảnh bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc