Bị Nga giáng trả đau đớn, Mỹ vẫn nói lời cảm ơn

09:42, 11/08/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump hôm qua (10/8) đã khiến nhiều người không khỏi sững sờ, choáng váng khi bất ngờ lên tiếng cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin về đòn trả đũa thẳng tay mà ông này tung ra nhằm vào Mỹ.

Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump

Chính quyền của Tổng thống Putin hồi cuối tháng trước đã thông báo về quyết định trả đũa đầu tiên nhằm vào Mỹ, theo đó Moscow buộc phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Nga phải cắt giảm hàng trăm nhân sự. Đây được đánh giá là đòn đáp trả quyết liệt và cứng rắn của Moscow đối với Washington.

Sau hai tuần không phản ứng gì trước đòn trả đũa trên, Tổng thống Trump hôm qua đã bất ngờ phá vỡ yên lặng khi đưa ra phát biểu đầu tiên về quyết định được ông chủ điện Kremlin công bố hôm 30/7 về việc trục xuất 755 nhân sự ngoại giao Mỹ, tương đương mức cắt giảm đến 2/3 tổng nhân sự ngoại giao của Mỹ tại Nga. Ông Trump đã bày tỏ: "Tôi rất biết ơn về quyết định của ông Putin khi để một số lượng lớn nhân sự ngoại giao về nhà bởi như thế chúng tôi sẽ giảm được số tiền lương phải chi trả”.

Tổng thống Trump cho rằng, “không có lý do thực sự để họ bị trục xuất về nhà” và “chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền”. Phản ứng này của ông Trump khác hẳn so với phản ứng của các tổng thống trước đây trong những trường hợp tương tự từng xảy ra trong quá khứ.

Phản ứng của ông chủ Nhà Trắng cũng đối lập với phản ứng của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - người từng gay gắt miêu tả đòn trả đũa của Moscow là “hành động đáng tiếc và không mong đợi”.

Ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra phản ứng gì trước những phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump về đòn trả đũa của Nga.

Không biết có phải đùa hay không nhưng những phát biểu của ông Trump ngày hôm qua đã nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích của cả các quan chức còn đương nhiệm hay đã về hưu của Mỹ cũng như của các thành viên ở cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Ông Nicholas Burns - vị quan chức cấp cao thứ ba trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã miêu tả phát biểu của ông Trump là “lố bịch”. “Nếu chỉ là một câu nói đùa, ông ấy đáng ra nên hiểu biết hơn. Nếu ông ấy nói thật thì đó là điều chưa từng có trong tiền lệ. Một tổng thống sẽ không bao giờ ủng hộ cho việc trục xuất các nhà ngoại giao của chúng ta”, ông Burns, hiện tại đang là một giáo sư của Trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, đã nhận xét như vậy.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao kỳ cựu giấu tên của Mỹ từng làm việc ở Nga cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải “kinh sợ và choáng váng” trước những phát biểu của ông Trump.

Ông Heather Conley – từng là một quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ, nhận định, việc trục xuất hàng trăm người khỏi một Đại sứ quán quan trọng của Mỹ là sự bất thường và “rất khó để hiểu tại sao Tổng thống lại có thể xem đó là một diễn biến ‘tích cực’ dưới bất kỳ hình thức nào”.

Chính quyền của Tổng thống Putin hôm 30/7 thông báo, Mỹ sẽ phải cắt giảm 755 nhân sự ngoại giao tại Nga. Con số cắt giảm này sẽ làm cho phái đoàn ngoại giao Nga tại Mỹ và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Nga có sự ngang bằng về quy mô. “Số lượng nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga sẽ bị cắt giảm 755 người và như vậy quy mô của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Nga sẽ bằng với quy mô của phái đoàn ngoại giao Nga tại Mỹ, mỗi bên 455 nhân sự”, ông Putin cho hay.

Quyết định cắt giảm trên là kết quả gây ra từ chính chính sách của Washington, ông Putin nhấn mạnh. Đây là đòn đáp trả đối với việc Quốc hội Mỹ trước đó vừa thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và đối với tình trạng bế tắc trong vụ việc Washington phong tỏa các tài sản ngoại giao của Nga và trục xuất các nhà ngoại giao Nga hồi cuối năm ngoái.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hồi cuối năm ngoái bất ngờ ra quyết định tịch thu hai tổ hợp tòa nhà ngoại giao của Nga và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì lý do cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ.

Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng, chính phủ Nga đã quyết định kiềm chế không tung ra đòn đáp trả để chờ xem lập trường của Tổng thống Donald Trump và tạo cơ hội cho một sự cải thiện trong quan hệ Nga-Mỹ. Moscow vốn kỳ vọng rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ có lập trường thân thiện với Nga hơn và sẽ nhanh chóng giải quyết vụ phong tỏa tài sản ngoại giao nói trên.

Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra theo như mong đợi của Nga và kết quả là sau rất nhiều lời thúc giục và cảnh báo, Moscow cuối cùng đã ra tay. Với đòn trả đũa quyết liệt và mạnh tay, Nga dường như muốn cho Mỹ hiểu, một khi họ buộc phải hành động đáp trả thì họ sẽ khiến Mỹ phải hối tiếc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc