(VnMedia) - Lần đầu tiên sau 2 năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có chuyến thăm chính thức đến Nga. Phải chăng đây là dấu hiệu Đức muốn làm lành với Nga sau thời gian dài hai nước rơi vào mối quan hệ ghẻ lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Và chuyến thăm của bà Merkel liệu có phải là tín hiệu cho thấy phương Tây đã xuống nước với Moscow.
Thủ tướng Đức Merkel sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen. Lần gần đây nhất bà Merkel đến Nga là vào tháng Năm năm 2015. Khi đó, Nhà lãnh đạo Đức đã có cuộc gặp với ông Putin ở thủ đô Moscow. Tuy nhiên, giống như nhiều nhà lãnh đạo phương Tây khác, Thủ tướng Merkel đã phớt lờ lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức của Nga năm 2015.
Trong cuộc gặp gỡ lần này, ông Putin và bà Merkel được cho là sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương cũng như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tình hình Trung Đông và việc thực hiện thỏa thuận Minsk, cơ quan báo chí của điện Kremlin cho biết.
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức thường xuyên gặp gỡ nhau để bàn bạc về các vấn đề song phương và quốc tế. Lần này, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận chi tiết về tình trạng hiện nay cũng như viễn cảnh của mối quan hệ song phương sau 2 năm băng giá vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức sẽ tập trung bàn về mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lần này của ông Putin và Merkel được cho là sẽ chú trọng hơn đến các vấn đề quốc tế then chốt.
Theo lời phát ngôn viên của chính phủ Đức – ông Steffen Seibert, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin sẽ bàn về tình hình Ukraine, cuộc xung đột ở Syria và tình hình chính trị ở Libya. Hai nhà lãnh đạo Nga, Đức sẽ tổ chức hai vòng đàm phán và sẽ tổ chức họp báo với giới báo chí.
Chuyến thăm của bà Merkel đến Nga diễn ra sau khi Tổng thống Putin lên tiếng kêu gọi “bình thường hóa hoàn toàn” quan hệ song phương khi ông chủ điện Kremlin có cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hồi tháng Ba.
Chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Putin còn bao gồm các vấn đề chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng Bảy tới.
G20 hiện tại là “sân chơi” duy nhất để Nga gặp gỡ các cường quốc khác sau khi nước này bị tẩy chay khỏi khuôn khổ nhóm G8, hiện chỉ còn là G7. Tại hội nghị G20 sắp tới, Tổng thống Putin được cho là sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Nga được cho là cơ hội để hai nước khôi phục lại quan hệ song phương. Không ít nhà phân tích tin rằng, thời kỳ băng giá trong quan hệ Nga-Đức sắp kết thúc bởi cả hai bên đều phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng quay lại con đường hợp tác với nhau.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.
Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng. Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Một nhà phân tích từng nhận định, cuộc khủng hoảng Ukaine đã giết chết giấc mơ liên minh Nga-Đức – một giấc mơ được ông Jean-Francois Thiriart đề xuất vào những năm 1960. Theo đề xuất này, Nga và Đức sẽ thiết lập một liên minh ở Châu Âu nhằm làm đối trọng với siêu cường Mỹ.
Quan hệ Nga-Đức xấu đi ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Nền kinh tế Nga thời gian qua đã lao đao vì những đòn trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Đức cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Đức là nước được cho là phải hứng đòn đau nhất do hậu quả “gậy ông đập lưng ông” gây ra từ chính sách đối đầu, trừng phạt Nga.
Moscow đương nhiên không thể tránh khỏi cảm giác thất vọng về Berlin bởi Đức đã vội vàng quay lưng với họ bất chấp hai nước nước từng gắn bó sâu sắc vì sợi dây kết nối liên quan đến lịch sử, địa lý, kinh tế, thương mại....
Tuy nhiên, gần đây, Đức có nhiều dấu hiệu cho thấy, nước này bắt đầu muốn làm lành với Nga. Đã có không ít nhà lãnh đạo cấp cao, chính khách, giới chuyên gia và doanh nhân lên tiếng đòi chính quyền Đức phải từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc