(VnMedia) - Một vị tướng hàng đầu của Mỹ hôm qua (5/4) đã thẳng thừng cho biết, tấn công phủ đầu có thể là “lựa chọn duy nhất còn lại” của Mỹ đối với Triều Tiên. Không rõ đây có phải là lập trường của chính quyền của Tổng thống Donald Trump hay không nhưng nếu điều này xảy ra thì thế giới có lẽ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ nhất mà người ta có thể hình dung được về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Liệu Mỹ có dùng đến lựa chọn cuối cùng là tấn công phủ đầu Triều Tiên |
Lựa chọn đầu tiên của Tổng thống Trump cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Jack Keane vừa mới đây cảnh báo, chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến Mỹ phải dùng đến cái gọi là “lựa chọn duy nhất còn lại” – đó là một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.
Ông Keane – một vị tướng 4 sao đã nghỉ hưu và hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến tranh, đã từ chối lời mời vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của chính quyền Tổng thống Trump với lý do cá nhân được đưa ra liên quan đến cái chết gần đây của vợ ông vì bệnh Parkinson.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Times of London mới đây, Tướng Keane thận trọng cho biết, "một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở phóng tên lửa, các địa điểm thử hạt nhân, các lực lượng phản ứng bằng tên lửa và pháo binh cũng như các mục tiêu lãnh đạo của chính quyền Triều Tiên có thể là lựa chọn duy nhất còn lại trên bàn của Mỹ”.
"Chúng ta đang tiến tới một cách nguy hiểm và nhanh chóng đến một lựa chọn quân sự”, ông Keane nói thêm
Những phát biểu trên của Tướng Keane có vẻ như trùng hợp với quan điểm của chính Tổng thống Trump. Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra ngày hôm nay (6/4) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ đã sẵn sàng thực hiện lựa chọn thay thế nếu Bắc Kinh không gây đủ áp lực để buộc chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un hạn chế tham vọng hạt nhân.
"Trung Quốc hoặc là quyết định giúp chúng tôi giải quyết vấn đề Triều Tiên hoặc không. Nếu Trung Quốc không định giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ tự mình làm điều đó”, ông Trump phát biểu.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson miêu tả Bình Nhưỡng là “mối đe dọa cấp thiết” vì những hành động gần đây của nước này cũng như những bước tiến mạnh mẽ mà họ đạt được trong chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi một số chuyên gia đề xuất các phương tiện hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên như tiến hành các cuộc đàm phán vô điều kiện với chính quyền Bình Nhưỡng hay tạm ngừng hoặc hạn chế các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc thì nhiều chuyên gia khác dường như mất niềm tin vào con đường ngoại giao.
"Trừng phạt không có tác dụng với Triều Tiên và tôi hoài nghi về biện pháp tung thêm đòn trừng phạt. Tôi cũng không tin việc trừng phạt Trung Quốc có hiệu quả hơn”, Tướng Keane nói.
"3 đời Tổng thống trước của chúng ta trong hơn 20 năm qua đều đã thất bại trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên”, vị tướng nghỉ hưu của Mỹ nói đồng thời thêm rằng ông hy vọng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ thành công.
Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump gần đây đã soạn thảo ra một loạt những lựa chọn, cả trên lĩnh vực kinh tế và quân sự, để Nhà lãnh đạo Mỹ có thể lựa chọn nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Theo tiết lộ của một quan chức giấu tên của Mỹ, các đề xuất được trình lên lần này thiên về hướng đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới và tăng cường áp lực lên Bắc Kinh để nước này gây ảnh hưởng đến cách hành xử của đồng minh Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang tích cực theo đuổi việc phát triển các vũ khí tinh vi, phức tạp nhằm đối đầu với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực. Chỉ trong chưa đầy 5 năm cầm quyền, ông Kim Jong Un đã cho tiến hành đến 3 vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ nổ hạt nhân mạnh nhất hồi tháng 9 năm ngoái, cùng với hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm xa. Sự thách thức của Bình Nhưỡng khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trong trạng thái có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc