Trả giá vì "hung hăng" với Nga, Hungary muốn sửa sai?

15:52, 24/01/2017
|

(VnMedia) - Xuất khẩu của Hungary đã thiệt hại 6,5 tỉ USD trong 3 năm kể từ khi nước này tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga của phương Tây, Bộ trưởng Các Vấn đề Đội ngoại và Thương mại Hungary - ông Peter Szijjarto cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Kommersant của Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Theo ước tính của chúng tôi, lợi nhuận mà chúng tôi đánh mất trong 3 năm vừa rồi đã lên tới 6,5 tỉ USD – đó là về xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng năm của Hungary đạt khoảng 90 tỉ USD thì con số 6,5 tỉ USD là một thiệt hại lớn”, ông Szijjarto thừa nhận.

Bộ trưởng Szijjarto thẳng thắn chỉ ra rằng, từ quan điểm của Hungary, các biện pháp trừng phạt rõ ràng không hiệu quả và đang gây hại cho cả nền kinh tế Nga lẫn Châu Âu.

Ông Szijjarto bày tỏ hy vọng, chính sách trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ trong hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng Ba tới. Ông này cũng thêm rằng, lập trường của EU sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi trong cuộc đối thoại Nga-Mỹ.

Thượng mại giữa Nga và EU đã giảm đáng kể từ năm 2014 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bùng phát. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Bất chấp nội bộ đã rạn nứt vì vấn đề trừng phạt Nga, Brussels vẫn tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hai lần vào năm 2015 và 2016. Nga đương nhiên cũng đáp trả lại tương xứng. Kết quả là cuộc chiến trừng phạt khiến hai bên “sứt đầu, mẻ trán” này vẫn tiếp tục kéo dài mà chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, đang có những tia hy vọng nổi lên về khả năng cuộc chiến trên sẽ dừng lại. Điều này xuất phát từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump có quan điểm và lập trường tương đối tích cực về Nga cũng như người đồng cấp Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ không ít lần úp mở nói đến viễn cảnh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Mới đây nhất, ông Trump đã nói đến viễn cảnh hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga để đổi lấy vấn đề giảm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Moscow đã nhanh chóng bác bỏ khả năng này.

Dù thế nào đi nữa, việc chính quyền mới của Mỹ phát đi nhiều tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Nga cũng ít nhiều hứa hẹn triển vọng “tháo ngòi nổ” cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây. Đây là điều mà không ít thành viên của EU đang mong mỏi.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc