(VnMedia) - Ứng cử viên sáng giá nhất cho chức tổng thống Pháp - ông Francois Fillon đang khiến Đức lo ngại và bất an khi có lập trường thân thiện và nồng ấm đối với Nga.
Ông Fillon và bà Merkel |
Ông Fillon vừa giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Pháp trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày Chủ nhật (27/11). Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán, ông này sẽ dễ dàng đánh bại đối thủ bên Đảng Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen trong vòng “knock out” vào tháng Năm tới để trở thành Tổng thống mới của nước Pháp.
Mặc dù chính phủ Đức không hề muốn ứng cử viên Marine Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhưng điều đó không có nghĩa là họ vui vẻ với viễn cảnh ông Fillon trở thành tân Lãnh đạo Pháp. Nguyên nhân là do ông Fillon có mối quan hệ khá tốt đẹp với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Ứng cử viên Fillon bị những người chỉ trích cáo buộc là quá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông này đã từng lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ông Fillon tin rằng, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ “đã khiêu khích” Nga khi mở rộng sự hiện diện của NATO đến sát sườn của Nga.
Ông Fillon thậm chí còn kêu gọi thành lập một liên minh với Tổng thống Putin và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để chiến đấu chống lại lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Những lập trường trên của ông Fillon hoàn toàn khác biệt với lập trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đức đang là nước dẫn đầu trong EU duy trì một lập trường cứng rắn đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Pháp là một đối tác quan trọng hàng đầu trong EU của Đức.
Bà Merkel vốn đã đang rất lo ngại trước việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngưỡng mộ Tổng thống Putin. Giờ đây, viễn cảnh Nga có thêm đồng minh là lãnh đạo mới của nước Pháp khiến Đức “đứng ngồi không yên”.
"Trên trường quốc tế, có thể sẽ có những vấn đề giữa ông Fillon và Berlin. Vấn đề đầu tiên sẽ là những chính sách đối với Nga. Dù không ai công khai nói ra nhưng Đức rõ ràng là thích ứng cử viên Alain Juppe hơn”, Barbara Kunz – một chuyên gia đến từ Ủy ban Nghiên cứu về Quan hệ Pháp-Đức, nhận định.
Một thành viên giấu tên trong đảng của bà Merkel cũng thừa nhận việc Berlin mong muốn một đối tác như cựu Thủ tướng Juppe hơn là ứng cử viên Fillon.
Ông Norbert Roettgen – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, khẳng định, “không còn nghi ngờ gì nữa về việc sẽ có sự khác biệt lớn” giữa ông Fillon và Đức về lập trường đối với Nga. "Đó không chỉ là về Ukraine mà về cả việc liệu Châu Âu có nên tiếp tục là một lục địa tự do, thống nhất” hay một lần nữa bị chia cắt giữa “một Châu Âu tự do và một vùng ảnh hưởng của Nga”, ông Roettgen cho hay.
Nếu ông Fillon lên cầm quyền và duy trì một chính sách thân thiện với Nga thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào mặt trận thống nhất mà EU dựng lên để chống lại Nga. Pháp cùng với Đức là những cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu trong EU. Sự chia rẽ giữa Pháp và Đức sẽ gây ra sự lung lay đối với quyết tâm theo đuổi chính sách trừng phạt Nga của liên minh này trong bối cảnh vốn đã có sẵn nhiều nước đang muốn từ bỏ nó.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây bắt đầu “lao dốc không phanh” kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Moscow đang rất hy vọng vào một thắng lợi của ông Fillon trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới bởi điều này sẽ giúp họ phân hóa sâu sắc hơn nội bộ EU và từ đó giúp họ phá vỡ “trận thế bao vây” mà EU đang áp dụng với Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc