Vì bênh Nga, Serbia một mình chống lại phương Tây

10:06, 20/10/2016
|

(VnMedia) - Serbia hôm qua (19/10) đã phản đối việc Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép đòi áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, miêu tả đó là “hành động tuyệt đối không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic
Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cho biết trong một tuyên bố rằng: "áp lực mà họ đang dồn vào Serbia, nói một cách ngoại giao, là để làm cho chính sách đối ngoại của Serbia phù hợp với EU….nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là tuyệt đối không thể chấp nhận được".

Trước đó, hồi đầu tuần, cao ủy chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini đã trình lên liên minh 28 thành viên một bản báo cáo về chính sách an ninh và đối ngoại chung của khối, trong đó nói rằng Brussels “sẽ tiếp tục kêu gọi Serbia ủng hộ chính sách An ninh và Đối ngoại Chung của EU”.

Mặc dù Serbia đang đàm phán để gia nhập EU nhưng nước này vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Nga ở vùng Balkan. Serbia liên tục từ chối tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga của EU vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc