Từ khi nào Nga đã trở thành nỗi khiếp sợ của NATO?

15:28, 27/07/2016
|

(VnMedia) - Với những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh của NATO hồi đầu tháng này, người ta có thể thấy, Nga giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên đối với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên thực tế, NATO đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có trong lịch sử, từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang reo rắc bao kinh hoàng trên khắp Châu Âu cho đến cuộc khủng hoảng nhập cư, cơn địa chấn Brexit, cuộc chiến tranh kéo dài hơn thập kỷ ở Afghanistan… Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến Nga – một mối đe dọa mà giới chức NATO liên tục nhắc đến.

Điều đáng nói là nỗi ám ảnh về mối đe dọa mang tên Nga đã lớn đến mức át mọi mối đe dọa đáng sợ được liệt kê ở trên. Điều này có thể được thấy rõ qua diễn biến hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO diễn ra hồi đầu tháng này. Chủ đề về cái gọi là mối đe dọa từ Nga đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh NATO và chiếm phần lớn chương trình nghị sự. Giới chức NATO chỉ chăm chăm lo bàn cách đối phó với Nga thay vì mối đe dọa khủng bố, cụ thể là tổ chức Hồi giáo Nhà nước thế giới (IS) bất chấp việc các nước thành viên NATO đang hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể che giấu là NATO đang bế tắc, loay hoay trong việc lựa chọn chính sách đối với Nga.

Tổng thống Obama cùng với giới lãnh đạo Châu Âu đã cố gắng thể hiện họ là một khối liên minh đoàn kết, một mặt trận thống nhất trong cuộc đối đầu với Nga bất chấp mối quan ngại đang dấy lên về việc sự kiện Anh bỏ phiếu quyết định rời Liên minh Châu Âu (EU) sẽ làm rạn nứt liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương. Dù cố gắng thể hiện sự đoàn kết, NATO vẫn không thể che giấu được mâu thuẫn nội bộ nổi lên ngày càng rõ nét xoay quanh vấn đề liên minh này nên tiếp tục làm căng hay hòa dịu với Nga. Đức, Pháp và Italia đã có dấu hiệu xuống nước với Nga trong khi Anh, Mỹ vẫn giữ lập trường quyết liệt. Ngay tại hội nghị, trong khi Thủ tướng Anh kêu gọi NATO tiếp tục cứng rắn với Nga thì Tổng thống Pháp khẳng định Paris coi Nga là “đối tác”.

NATO đã nhất trí triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia đến 3 nước Baltic gồm Estonia, Litva, Latvia, và Ba Lan, với quân số lên khoảng 4.000 người. Ngoài ra, NATO còn cam kết tăng cường bảo vệ vùng trời và các vùng biển trong khu vực Đông Âu. Giới lãnh đạo NATO coi quyết định trên là một thông điệp răn đe Nga nhưng giới chuyên gia thẳng thừng chỉ ra rằng những gì diễn ra ở hội nghị thượng đỉnh NATO chẳng khác gì một “trò hề”. Với 4 tiểu đoàn vỏn vẹn chưa đến 4.000 quân, NATO làm sao có thể tính đến chuyện đối phó với một cường quốc quân sự mạnh như Nga. NATO hiểu rõ thực tế đó và còn hiểu rõ hơn về quyết định triển khai quân của họ. Quyết định này là một động thái mang tính biểu tượng không hơn không kém. Mục đích của nó chủ yếu là nhằm trấn an các nước thành viên ở Đông Âu đang bồn chồn, lo âu về Nga.

NATO rõ ràng vẫn theo đuổi chính sách răn đen Nga bằng các hành động quân sự. Tuy nhiên, trong hội nghị NATO lần này, giới lãnh đạo liên minh đã thể hiện sự thay đổi, theo đó nhấn mạnh đến con đường đối thoại với Nga. NATO và Nga sẽ có cuộc họp sau hội nghị này. Nga cho thấy, họ không hề bị khuất phục trước áp lực từ mọi phía. Xuất phát từ thực tế này, Mỹ cũng như NATO buộc phải “lùi” trước bởi họ cần Nga như một đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết hàng loạt thách thức lớn khác. 

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc