NATO "tê cóng" trước sức mạnh tàu ngầm của Nga

09:45, 27/07/2016
|

(VnMedia) - Trong thời Chiến tranh Lạnh vào cuối thế kỷ 20, chiến tranh chống tàu ngầm (ASW) là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của phương Tây. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô, khả năng chiến tranh chống tàu ngầm của phương Tây đã suy yếu đi rất nhiều và bản báo cáo mới nhất cho thấy NATO hoàn toàn bị động trước hạm đội tàu ngầm thiện chiến của Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tàu ngầm hạt nhân K-560 Severodvinsk lớp Yasen là một trong những tàu ngầm tối tân, tinh vi nhất của Nga. Loại tàu ngầm này được trang bị thiết bị chiến tranh điện tử và giảm tiếng ổn ở mức tinh vi cùng với hàng loạt tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa chống hạm, ngư lôi và thủy lôi. Tàu lớp Yasen có thể chạy với tốc độ lên tới 35 hải lý.

Là biểu tượng của hạm đội tàu ngầm thiện chiến của Nga, tàu ngầm K-560 là ví dụ tiêu biểu cho thấy năng lực chiến tranh chống tàu ngầm của NATO sẽ trở nên vô dụng và bất lực trước Hải quân Nga. Điều này đã được phân tích chi tiết trong một bản báo cáo mới do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược vừa đưa ra.

"Các tổ chức, mối quan hệ, tình báo và năng lực từng hỗ trợ cho mạng lưới chiến tranh chống tàu ngầm rất mạnh ở Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic hiện không còn tồn tại”, bản báo cáo cho hay.

"Hai điều đã xảy ra. Một là lực lượng tàu ngầm Nga trở nên ít tiếng ồn hơn và hai là chúng ta đã tự loại bỏ phần lớn năng lực chiến tranh chống tàu ngầm của mình”, bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho biết thêm.

Bản báo cáo đã đưa ra khuyến nghị rằng, tất cả các nước NATO nên đóng góp để tăng cường năng lực chiến tranh chống tàu ngầm của liên minh, cụ thể là Vương Quốc Anh – nước có lực lượng Hải quân đã suy yếu đi rất nhiều trong những năm qua.

"Hải quân Hoàng gia Anh có thể đang ở mức năng lực thấp nhất”, bản báo cáo phân tích, đưa ra minh chứng là việc Anh năm 2011 cho nghỉ huu loạt máy bay tuần tra tầm xa và tiếp đó vào năm 2014 tiếp tục cho nghỉ hưu chiếc tàu sân bay cuối cùng của họ.

Trong khi Mỹ có hạm đội lớn nhất trong liên minh thì lực lượng của nước này lại phải dàn mỏng khắp toàn cầu. Với chiến lược của Tổng thống Barack Obama về việc hướng trọng tâm vào Châu Á, phần lớn lực lượng Hải quân Mỹ đang được đặt tại Thái Bình Dương. Với sự chú ý đặc biệt được dồn vào Biển Đông, chỉ một phần nhỏ năng lực chiến tranh chống tàu ngầm của Mỹ được triển khai ở Châu Âu.

Pháp là nước có hạm đội mạnh nhất ở Châu Âu nhưng phần lớn lại tập trung ở biển Địa Trung Hải.

Tất cả những diễn biến trên khiến NATO đang thực sự phát hoảng vì sức mạnh tàu ngầm ngày càng tăng lên của Nga, nhất là trong bối cảnh Nga và NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do tình hình ở Ukraine gây ra.

Về phần Nga, các chuyên gia nước này tin rằng việc đưa tàu ngầm lớp Yasen vào biên chế sẽ khiến cho khả năng chiến đấu của Hải quân Nga gia tăng đáng kể, khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải dè chừng.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Yasen Dự án 885 là tàu Severodvinsk. Con tàu này bắt đầu được đóng từ năm 1993 tại xưởng đóng tàu Sevmash, thành phố Severodvinsk, phía bắc nước Nga. Tuy nhiên, do có khó khăn về tài chính nên thời gian hoàn thành chiếc tàu ngầm này đã bị kéo dài đến 17 năm. Moscow đã lên kế hoạch hạ thủy tàu Severdovinsk vào ngày 7/5/2010, đúng dịp kỷ niệm 65 ngày chiến thắng phát xít Đức. Tuy nhiên, do một số trục trặc kỹ thuật, lễ hạ thủy tàu Severodvinsk đã phải lùi lại đến ngày 15/6/2010.

Theo tờ Vedomosti, giá của chiếc tàu ngầm chiến lược này được giữ bí mật nhưng chi phí ước tính của nó có thể lên tới con số kỷ lục 1 tỉ USD.

Tàu ngầm tấn công đa năng Severodvinsk có lượng giãn nước 8.600 tấn khi nổi, 13.800 tấn khi lặn, độ lặn sâu tối đa 600m, di chuyển với tốc độ 16 hải lý/h khi nổi và 35 hải lý/h khi lặn. Tàu ngầm có chiều dài 119 m, chiều rộng lớn nhất của thân 13,5 m, thủy thủ đoàn 90 người, trong đó có 32 sĩ quan. Vũ khí trang bị cho tàu ngầm Severodvinsk gồm tên lửa hành trình 3M55 oniks (SS-N-26) và 3M54 (SS-N-27), thủy lôi và ngư lôi. Severodvinsk được trang bị 24 tên lửa hành trình, 8 bệ phóng ngư lôi, mìn và cả tên lửa chống tàu.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc