(VnMedia) - Nga sẽ đáp trả thích đáng đối với “những ngôn từ và hành động ngày càng hung hăng” của NATO, Tổng thống Vladimir Putin hôm qua (22/6) đã phát biểu như vậy trước các nghị sĩ tại phiên bế mạc cuộc họp State Duma (Quốc hội). Ông chủ điện Kremlin kêu gọi thiết lập một hệ thống an ninh mở đối với tất cả các nước.
Ảnh minh họa |
Rất cần thiết phải thiết lập một hệ thống an ninh tập thể, tránh “tư tưởng cục bộ kiểu theo khối” và hệ thống này phải mở đối với tất cả các nước, Tổng thống Putin cho biết.
"Nga sẵn sàng thảo luận về vấn đề cực kỳ quan trọng đó”, ông Putin cho hay đồng thời thêm rằng cho đến nay phương Tây vẫn chưa có phản ứng gì trước những đề xuất như vậy.
"Nhưng một lần nữa, như thời bắt đầu của Chiến tranh Thế giới thứ II, chúng tôi không thấy có bất kỳ phản ứng tích cực nào. Ngược lại, NATO tăng cường đưa ra những phát biểu hung hăng và những hành động gây hấn ở gần biên giới của chúng tôi”.
"Trong môi trường đó, chúng tôi phải chú ý đặc biệt đến việc củng cố năng lực phòng thủ của mình”, ông Putin nhấn mạnh.
Chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa chính cho an ninh quốc tế, Tổng thống Putin cho biết, so sánh nó với sự nổi lên của chủ nghĩa phát xít trước thế chiến II. Đối mặt với thách thức này, cộng đồng quốc tế nên hợp tác với nhau thay vì chia rẽ, bất đồng", Nhà lãnh đạo Nga thẳng thắn phát biểu.
"Chúng ta đã học được bài học gì cần thiết để từ bỏ sự mâu thuẫn về hệ tư tưởng cũng như những trò chơi địa chính trị cũ kỹ và thay vào đó là đoàn kết lại trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu? Mối đe dọa chung này đang nổi lên mạnh mẽ ngay trước mắt chúng ta”, ông Putin nhấn mạnh.
Các vấn đề an ninh không nên chiếm ưu thế hơn vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người dân. “An ninh và các vấn đề quốc tế đều quan trọng như nhau nhưng không có gì quan trọng hơn nền kinh tế và hạnh phúc của người dân. Những điều này thực sự rất phức tạp và khó giải quyết nhưng tương lai đất nước chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề đó ra sao”, ông Putin nói thêm.
Những phát biểu trên được Nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong bối cảnh NATO đang dồn dập gây sức ép quân sự đối với Moscow.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Trong hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Warsaw dự kiến diễn ra vào tháng tới, lãnh đạo NATO được cho là sẽ bật đèn xanh cho việc triển khai 4 tiểu đoàn lên tới 4.000 quân đến các nước Baltic và Ba Lan cũng như đẩy mạnh quy mô và số lượng các cuộc tập trận đa quốc gia ở gần Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc