(VnMedia) - Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (29/6) đã lạnh lùng tuyên bố, Anh đừng mơ được hưởng bất kỳ sự ngoại lệ nào nếu muốn tiếp tục tham gia vào khu vực mậu dịch tự do của liên minh với tư cách không phải là một thành viên.
Giới lãnh đạo EU đã thể hiện một lập trường cứng rắn, lạnh lùng với Anh. |
EU nhấn mạnh, Anh sẽ không được tiếp cận thị trường chung của Châu Âu nếu không chấp nhận quy định tự do đi lại trong khu vực.
Khi 27 nguyên thủ của các nước thành viên EU lần đầu tiên tiến hành cuộc họp ở Brussels, Bỉ, mà không có sự tham gia của Thủ tướng Anh David Cameron, các nhà lãnh đạo này đã nhất trí với nhau rằng, Anh sẽ không nhận được bất kỳ sự ứng xử ngoại lệ nào nếu nước này muốn tiếp tục mua bán hàng hoá trong khu vực thương mại tự do miễn thuế với tư cách là một nước không còn là thành viên của EU.
Ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, tuyên bố, sẽ không có chuyện muốn là được thị trường chung. Các nhà lãnh đạo đã khẳng định rất rõ ràng rằng, việc tiếp cận với thị trường chung Châu Âu đòi hỏi phải chấp nhận cả 4 tự do sau: tự do đi lại, tự do trao đổi hàng hoá, dịch vụ và vốn.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy sẽ có những cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và Brussels trong thời gian sắp tới, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, ông không “loại trừ” khả năng tìm kiếm một thoả thuận về tự do đi lại với EU.
Giới lãnh đạo EU kiên quyết sẽ không ký với Anh một thoả thuận như vậy bởi điều đó sẽ khiến các nước khác theo sau đòi hỏi một vị thế đặc biệt tương tự. Đây là tiền lệ rất nguy hiểm trong bối cảnh dư chấn của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh vẫn tiếp tục lan xa, lan rộng.
Thủ lĩnh của phe ủng hộ Anh rời EU (Brexit) - ông Boris Johnson đã đưa ra viễn cảnh về việc Anh vẫn được tiếp cận thị trường chung Châu Âu trong khi hạn chế tình trạng nhập cư vào nước này thông qua các đường biên giới mở.
Tham dự ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Cameron đã đổ lỗi cho chính sách nhập cư của liên minh này đã dẫn đến cái kết là vụ Brexit.
Theo lời ông Cameron, người Anh rõ ràng đã bỏ phiếu lựa chọn “dứt áo ra đi” khỏi EU bởi vì họ nghĩ rằng vấn đề nhập cư đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Vì thế, London muốn ký một thoả thuận thương mại tự do với EU nhưng với điều kiện vấn đề nhập cư phải được hạn chế. Đây là điều mà giới lãnh đạo EU không chấp nhận.
Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định đòi “ly hôn” với EU, diễn biến trong những ngày qua cho thấy, cuộc ly hôn này sẽ không hề đơn giản.
EU đang muốn Anh rời khỏi liên minh của họ càng sớm càng tốt nhưng vấn đề quy trình, thủ tục sẽ không thể diễn ra nhanh chóng được.
Có một điều rất dễ nhận thấy là Liên minh Châu Âu đã ngay lập tức quay lưng lại với Anh sau khi nước này khiến EU rơi vào tình cảnh lao đao vì một cú địa chấn lớn nhất trong lịch sử 59 năm của họ.
Giới lãnh đạo EU không ngại ngần cảnh báo Anh đừng mơ được hưởng những lợi ích từng có trước đây khi còn là thành viên của liên minh. Lập trường lạnh lùng và cứng rắn của EU là điều hoàn toàn dễ hiểu. EU không thể để các nước khác nhìn thấy rằng, Anh vẫn được lợi khi rời khỏi EU. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường là hàng loạt nước sẽ đòi rời khỏi EU giống như Anh và hiệu ứng domino sẽ “giết chết” khối liên minh từng được đánh giá là lớn nhất, thành công nhất trong lịch sử thế giới này.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc