Bỏ Nga, "theo đuôi" Mỹ, EU ngậm đắng nuốt cay

11:25, 19/05/2016
|

(VnMedia) - Châu Âu đã phải hứng chịu tổn thất gấp 10 lần so với những gì Mỹ phải chịu khi cùng nhau “phối hợp tác chiến” trừng phạt Nga, ông Stephen Szabo - Giám đốc điều hành của Học viện Xuyên Đại Tây Dương đã cho biết như vậy. Dù vậy, theo ông này, “sự đoàn kết của phương Tây” vẫn rất quan trọng trong mối quan hệ của họ với Moscow nhưng nó sẽ bị thử thách nghiêm trọng trong những tháng sắp tới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Các nền kinh tế Châu Âu đã phải hứng chịu thua thiệt gấp 10 lần trong thương mại với Nga so với đồng minh Mỹ của họ”, ông Stephen Szabo thừa nhận khi giới thiệu về bản báo cáo của Học viện Xuyên Đại Tây Dương có nhan đề: “Nga: Phép thử cho sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương”.

“Ví dụ như tổng giao dịch hàng hoá của EU với Nga đã giảm từ 326,5 tỉ euro (368,4 tỉ USD) năm 2013 xuống còn 210 tỉ euro (237 tỉ USD) trong năm 2015. Trong khi đó, tổng giao dịch thương mại của Mỹ với Nga giảm từ 38,2 tỉ USD xuống còn 23,6 tỉ USD trong cùng kỳ”, ông Szabo chỉ ra.

Mặc dù vậy, ông Szabo cho rằng, mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương và “sự đoàn kết của phương Tây” sẽ vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mối quan hệ giữa liên mình này với Moscow. Tuy nhiên, theo ông Szabo, sự đoàn kết của phương Tây sẽ bị thử thách nghiêm trọng trong những tháng sắp tới khi “có sự thay đổi lớn ở nhiều chính phủ phương Tây trong năm tới và nửa năm tiếp đó”.

“Một chính quyền mới của Mỹ sẽ lên cầm quyền vào tháng 1 năm 2017, với những cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp và Đức sau đó trong nửa cuối năm. Các biện pháp trừng phạt sẽ phải trải qua một số lần gia hạn trong thời gian đó và quyết tâm của phương Tây sẽ bị thử thách”, Giám đốc điều hành Học viên Xuyên Đại Tây Dương cho biết.

Ông Szabo không nhắc đến thực trạng, chính sách trừng phạt Nga của phương Tây vốn đã bị thách thức bởi một số quốc gia Châu Âu. Những nước này đang đòi phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga sớm nhất có thể. Nhiều chính khách và doanh nhân ở Đức cũng như Pháp thừa nhận, những biện pháp trừng phạt Nga đang đè nặng lên các khu vực kinh tế và chính trị của họ. Các chính khách và doanh nhân đó cáo buộc Mỹ sử dụng áp lực tài chính để ngăn không cho họ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Nga.

Hungary, Hy Lạp, Áo và Italia cũng đã bắt đầu phản đối chính sách trừng phạt Nga,

Đây không phải là lần đầu tiên có một quan chức Châu Âu lên tiếng về việc Liên minh Châu Âu (EU) hiện giờ “phải ngậm đắng nuốt cay” khi những biện pháp trừng phạt mà họ cùng Mỹ áp đặt lên Nga đang khiến họ tổn thất hơn rất nhiều so với đồng minh. Thậm chí, người ta còn miêu tả giới doanh nhân Châu Âu phải “dè xẻn, ăn kiêng” trong khi người Mỹ lại được “tiệc tùng”.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.

Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc