Philippines "mở cửa" Biển Đông đón Mỹ, Trung Quốc nổi giận

16:02, 22/03/2016
|

(VnMedia) - Philippines hồi cuối tuần vừa rồi đã không giấu được sự vui mừng về một thoả thuận mới mà nước này vừa ký kết với đồng minh Mỹ, nó mở đường cho siêu cường số 1 thế giới mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Thông tin này đã khiến Trung Quốc thực sự nổi giận, ngay lập tức lên tiếng phản ứng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Philippines mở rộng “cửa” Biển Đông đón Mỹ

Manila hôm Chủ nhật (20/3) đã ca ngợi một thoả thuận mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của nước này, nói rằng điều đó sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ và an ninh hàng hải của Philippines. Thoả thuận giữa hai đồng minh thân thiết được ký kết trong bối cảnh Philippines cùng một số nước khác ở Châu Á đang rơi vào các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông với Trung Quốc.

Theo thoả thuận, lực lượng Mỹ sẽ có thể được đưa đến đóng quân luân phiên tại các căn cứ của Philippines, trong đó có những căn cứ gần sát Biển Đông.

"4 địa điểm được thoả thuận…. đã tái khẳng định cam kết chung của quân đội Philippines và Mỹ trong việc củng cố liên minh nhằm đảm bảo quốc phòng và an ninh chung của cả hai nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Charles Jose cho biết trong một tuyên bố.

Trong một phát biểu riêng rẽ khác, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cũng khẳng định, thoả thuận mới “sẽ giúp tăng đáng kể năng lực của chúng tôi” trong việc bảo đảm an ninh hàng hải cũng như trong các hoạt động cứu trợ thảm hoạ.

Giới chức Mỹ và Philippines đã gặp gỡ nhau ở thủ đô Washington hôm 19/3. Sau đó, họ đã thông báo về việc hai nước đạt được thoả thuận đưa lực lượng Mỹ triển khai luân phiến đến các căn cứ của Philippines dựa trên Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Thoả thuận này có hiệu lực từ hồi tháng 1.

Trong số những căn cứ mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận là Căn cứ Không quân Antonio Bautista ở hòn đảo Palawan phía tây Philippines. Căn cứ này nằm đối diện trực tiếp với Biển Đông.

Một căn cứ khác là Căn cứ không quân Basa, ở phía bắc thủ đô Manila. Đây là trụ sở của lực lượng chiến đấu cơ chính của Philippines và nó cũng nằm gần các vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Phản ứng của Trung Quốc

Phản ứng trước thoả thuận mới của Mỹ và Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (21/3) đã lên tiếng phản đối gay gắt, nói rằng thoả thuận đó sẽ làm gia tăng tình trạng quân sự hoá khu vực. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying, thoả thuận được ký kết giữa Mỹ và Philippines đe doạ làm nguy hại đến “các lợi ích và chủ quyền của bên thứ ba".

"Liệu có thể giải thích rằng đó không phải là một hành động tiếp tục tăng cường các hoạt động triển khai quân sự ở Biển Đông và những khu vực xung quanh. Liệu có thể giải thích đó không phải là một hành động quân sự hoá Biển Đông”, bà Hua nói.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trước những diễn biến trên, ngày càng có nhiều nước, kể cả những nước không có tranh chấp ở Biển Đông, lên tiếng phản đối các hành động và tham vọng của Trung Quốc.

Mỹ là một trong những nước đang có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc chống lại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc biến Biển Đông thành “ao nhà” của riêng họ.

Mỹ đang ra sức tăng cường năng lực quân sự cho các nước Đông Á cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc nhằm kiềm chế nước này trong tham vọng theo đuổi mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

Washington và các đồng minh trong khu vực đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông bằng các động thái xây dựng sân bay và các cơ sở quân sự khác ở một loạt những hòn đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Mỹ khẳng định, dù không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này muốn bảo đảm sự tự do hàng hải trong khu vực. Hàng loạt nước ủng hộ quan điểm này của Mỹ. Ngày hôm qua, Malaysia và Australia cũng đều lên tiếng tái khẳng định lời kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.


Ý kiến bạn đọc