Hàng trăm nghìn quân và vũ khí rầm rập trên bán đảo Triều Tiên

08:47, 10/03/2016
|

(VnMedia) - Mỹ và Hàn Quốc hồi đầu tuần này đã chính thức khai hoả cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay như một đòn răn đe, cảnh báo sắc lạnh nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này “nổ phát súng khiêu khích” bằng một vụ thử hạt nhân và một vụ phóng tên lửa liên tiếp trong hai tháng Một và Hai.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Những cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn làm cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, nhưng tình hình năm nay đặc biệt nhạy cảm và đáng lo ngại. Đó là do Bình Nhưỡng vừa gây náo loạn thế giới bởi một vụ thử hạt nhân mới hoàn toàn bất ngờ vào đầu tháng 1 và ngay tiếp sau đó, vào đầu tháng Hai, nước này lại “bồi” thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa. Cộng đồng thế giới hết sức quan ngại trước những hành động mới nhất nói trên của Triều Tiên. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tức giận cao độ trước sự thách thức được miêu tả là “thái quá” của Triều Tiên.

Các nước đã nhanh chóng tìm cách đáp trả sự khiêu khích của Bình Nhưỡng. Cuộc tập trận ngày hôm nay là một trong những đòn đáp trả như vậy. Tham gia cuộc tập trận chung thường niên mang tên Key Resolve và Foal Eagle năm nay có đến 300.000 binh lính Hàn Quốc và 15.000 binh lính Mỹ cùng với hàng loạt tàu hải quân chiến lược và vũ khí không quân của Mỹ.

Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là những bước diễn tập cho một cuộc xâm lược nhằm vào Triều Tiên. Vì thế, nước này luôn phản ứng gay gắt mỗi khi có một cuộc tập trận như vậy diễn ra. Cuộc tập trận Mỹ-Hàn năm nay đã nhận được cảnh báo vô cùng sắc lạnh từ chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un. Theo đó, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tấn công hạt nhân nhằm thẳng vào lãnh thổ Hàn Quốc cũng như các căn cứ của Mỹ ở trên đất Mỹ và ở các khu vực khác của Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên luôn đem vũ khí hạt nhân ra để doạ Mỹ và Hàn Quốc. Cách đây vài ngày, ông Kim Jong Un còn ra lệnh đưa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng tấn công bất kỳ lúc nào.

Những diễn biến trên khiến cộng đồng thế giới không khỏi giật mình lo ngại. Người ta rất sợ một Triều Tiên vốn nổi tiếng là “khó dự đoán” có thể có những hành động bất cẩn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng, những lời đe doạ và cảnh báo của Bình Nhưỡng thực chất chỉ là những lời nói “trống rỗng”. Họ tin rằng, Triều Tiên không có ý định cũng chẳng đủ năng lực để thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc như họ đã tuyên bố.

Hàn Quốc tiếp tục thách thức Triều Tiên

Rõ ràng, Mỹ và Hàn Quốc cũng tin rằng Triều Tiên không dám “động thủ” bằng vũ khí hạt nhân nên tiếp tục có những hành động thách thức, khiêu khích Bình Nhưỡng. Ngoài cuộc tập trận nói trên, Hàn Quốc sẽ sớm thông báo về những biện pháp trừng phạt của riêng họ nhằm vào nước láng giềng Triều Tiên.

Một quan chức Hàn Quốc hôm 6/3 tiết lộ, chính phủ nước này sẽ sớm tung ra các biện pháp trừng phạt hà khắc của riêng họ nhằm vào Bình Nhưỡng. Động thái này chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nâng lên một cấp độ đáng lo ngại mới.

Seoul đưa ra những biện pháp trừng phạt mới của riêng họ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua một nghị quyết chứa đựng các đòn trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên. Gói biện pháp trừng phạt mới của Hàn Quốc sẽ được công bố chính thức trong tuần này.

Vị quan chức giấu tên của Hàn Quốc không tiết lộ chi tiết về những biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ hãng tin Yonhap, gói biện phát trừng phạt mới sẽ bao gồm việc cấm tất cả tàu thuyền của Triều Tiên được tiếp cận các cảng của Hàn Quốc.

Một loạt cá nhân và tổ chức của Triều Tiên được tin có liên quan đến chương trình phát triển vũ khí cũng sẽ được đưa thêm vào danh sách đen của Seoul.

Trong một diễn biến có liên quan, Triều Tiên đã bắt đầu hứng những đòn đau đầu tiên từ gói biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, một tàu hàng của Triều Tiên mới đây vừa bị bắt giữ bởi Philippine - một đồng minh thân thiết của Mỹ.

21 thuỷ thủ Triều Tiên vẫn có mặt trên tàu ở Vịnh Subic trong khi giới chức Philippines đang đợi nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc đến kiểm tra tàu.

Nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc yêu cầu các nước phải kiểm tra mọi tàu hàng ra vào Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau, bởi hai nước mới kết thúc cuộc chiến tranh năm 1950-1953 giữa họ bằng một lệnh ngừng bắn chứ chưa phải là một hiệp ước hoà bình. Quan hệ liên Triều luôn ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” và nhiều lần khiến thế giới thót tim vì lo sợ viễn cảnh một cuộc chiến tranh mới lại bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.


Ý kiến bạn đọc