Khi số phận của EU trông chờ vào đối thủ của Nga

08:09, 10/03/2016
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) dường như đang đánh cược số phận của mình vào Thổ Nhĩ Kỳ - nước được cho là khao khát muốn trở thành một thành viên của EU, nhưng vẫn chưa thể bước chân vào liên minh này. Liệu trong bối cảnh như vậy, liên minh hùng hậu gồm mấy chục thành viên như EU có bị Ankara “làm kiêu”, gây sức ép hay không?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Chưa lúc nào EU lại cần Thổ Nhĩ Kỳ như vậy. Và cũng chưa lúc nào, Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành một đối tác khó chịu với EU như lúc này. EU đang đặt cược vào Ankara để giúp họ giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất từ trước đến nay mà họ phải đối mặt kể từ sau thế chiến II. Và để có được sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ phải đánh đổi những gì? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra hôm 7/3 với nội dung trọng tâm là cuộc khủng hoảng nhập cư đang đè nặng lên EU.

Với 97% diện tích nằm ở Châu Á và 3% diện tích thuộc Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ được xem như một cây cầu nối liền hai châu lục. Tiếp giáp với Syria, Iraq và Iran - 3 quốc gia đang chìm trong xung đột và bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm đến cho dòng người tị nạn ồ ạt trốn chạy khỏi chiến tranh, nghèo đói. Làn sóng người tị nạn này muốn lợi dụng Hiệp ước Schengen và Dublin để tràn vào Châu Âu, tìm cho mình một cuộc sống trong mơ. Trong bối cảnh mà nội bộ các nước thành viên EU không thể thống nhất được với nhau về việc chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhập cư thì Ankara trở thành điểm mấu chốt có thể giúp EU ngăn chặn làn sóng nhập cư “như nước lũ” tràn vào Châu Âu.

EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng con đường an toàn cho phép nhiều người Syria vượt biển sang Hy Lạp và EU. Cụ thể, EU muốn yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới giữa họ và Syria để cho người nhập cư vào nhưng lại đóng cửa biên giới của nước này với Hy Lạp để ngăn dòng người nhập cư tràn vào Hy Lạp. EU cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận những người nhập cư không phải người Syria được trả về từ EU.

EU có lý do để đặt hy vọng vào Thổ Nhĩ Kỳ bởi trên thực tế, không chỉ EU cần Ankara mà bản thân Ankara cũng đang rất cần EU. Bằng việc chìa tay ra đúng lúc EU đang cần, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nâng được vị thế của mình lên mà còn thiết lập được mối quan hệ thân thiết với EU trong bối cảnh quan hệ giữa họ với đồng minh Mỹ có dấu hiệu rạn nứt. Ankara đang rất bất mãn vì cho rằng đồng minh Mỹ không quan tâm gì đến những quan ngại về an ninh của họ liên quan đến cuộc chiến ở Syria.

Ngoài mục đích trên, giúp đỡ EU, Thổ Nhĩ Kỳ còn nhận được rất nhiều lợi ích đáng giá khác như hàng tỉ USD tiền viện trợ, triển vọng được EU nới lỏng chế độ visa cho những người Thổ Nhĩ Kỳ muốn đến EU và cao hơn cả là khả năng sớm được trở thành thành viên của EU – một mục tiêu mà Ankara theo đuổi suốt nhiều năm qua.

Và hội nghị thượng đỉnh giữa Ankara và EU diễn ra như mong đợi khì Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chấp thuận giúp đỡ EU, chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng người nhập cư của liên minh này. Những thoả thuận cụ thể hơn, chi tiết hơn sẽ được hai bên thống nhất trong cuộc họp sắp tới vào khoảng giữa tháng.

Mặc dù EU rất hài lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh vừa rồi nhưng liên minh này không phải không có những lo ngại nhất định khi trông chờ vào một đối tác khó lường như Thổ Nhĩ Kỳ.

Với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối lập trong nước và đang theo đuổi chiến dịch chống lực lượng chiến binh người Kurd ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và ở khu vực biên giới với Syria, Iraq, cũng như đối đầu với Nga, EU sẽ còn phải “mất ngủ” nhiều đêm chứ chưa thể yên tâm dù tia hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng đã loé lên.

Chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk vừa đạt được sự thống nhất về một thỏa thuận hợp tác với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan hồi cuối tuần vừa rồi thì cảnh sát chống bạo động của nước này đã thực hiện một cuộc đột kích vào trụ sở của tờ báo Zaman – tờ báo đối lập lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. EU buộc phải “mắt nhắm mắt mở” trước động thái trên của Ankara bởi họ đang coi Thổ Nhĩ Kỳ là chiếc phao duy nhất cứu nguy họ trong lớp này. EU đành chấp nhận mất đi một phần danh tiếng vì lợi ích của chính họ.

Ngoài ra, EU còn luôn cảm thấy bất an trước diễn biến cuộc khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ankara và Moscow đang ủng hộ cho các bên đối lập nhau trong cuộc nội chiến ở Syria. Hồi cuối năm ngoái, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay của Nga ở khu vực biên giới. Để trả đũa, người Nga đã oanh kích các nhóm chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ở Syria. Châu Âu lo sợ, có thể sẽ có thêm những cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, liên minh này có thể phải viện dẫn đến hiệp ước an ninh tập thể và nguy cơ họ phải dính líu đến một cuộc xung đột leo thang là cực cao.


Ý kiến bạn đọc